Xuất khẩu giày dép sang Bắc Âu: Giải pháp nào tận dụng hiệu quả EVFTA?

(Banker.vn) Hiệp định EVFTA đã giúp xóa bỏ hoặc có lộ trình xoá bỏ hạn ngạch thuế quan từ ngày 1/8/2020 đối với khá nhiều sản phẩm giày dép của Việt Nam.
Xuất khẩu giày dép 8 tháng năm 2023 giảm mạnh Tháng 9/2023, xuất khẩu giầy dép các loại của Việt Nam thu về hơn 1,33 tỷ USD

Cơ hội cho giày dép Việt

Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu thông tin, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu không phải là quá lớn so với các thị trường khác song đây là khu vực thị trường tiềm năng. Trong số các nước Bắc Âu, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Na Uy, sau đó là Thụy Điển, Đan Mạch… Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu giày dép đứng thứ 2 tại Na Uy, sau Trung Quốc với kim ngạch khoảng 150 triệu USD/năm.

Na Uy là quốc gia nhập khẩu giày dép từ Việt Nam nhiều nhất trong số ba quốc gia Bắc Âu, với thị phần nhập khẩu từ Việt Nam dao động từ 20-23% trong tổng nhập khẩu của Na Uy.

Xuất khẩu giày dép sang Bắc Âu: Giải pháp nào tận dụng hiệu quả EVFTA?
Giày dép là một trong những mặt hàng có tiềm năng lớn xuất khẩu sang Bắc Âu (Ảnh: Moit)

Về thế mạnh của giày dép Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điện cho biết, các sản phẩm các giày dép của Việt Nam khá đa dạng, nhìn chung trong khu vực châu Á, thị phần Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu mặc dù nhỏ nhưng vẫn đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Do vậy, có thể khẳng định chất lượng các sản phẩm giày dép của Việt Nam cũng được người tiêu dùng Bắc Âu chấp nhận.

Ngoài ra, theo phân tích số liệu từ ITC, lượng nhập khẩu các sản phẩm giày dép của các nước Bắc Âu từ Trung Quốc hiện đang giảm dần trong những năm gần đây, trong khi đó tỷ trọng tăng trưởng của Việt Nam lại đang tăng lên.

Do ngành công nghiệp giày dép không phải là thế mạnh của các nước Bắc Âu, cộng với chi phí nhân công tại các nước này rất cao, khiến cho giá thành của một đôi giày khi sản xuất tại Bắc Âu sẽ cao hơn rất nhiều so với giày dép nhập khẩu từ các nước có mức lương nhân công thấp.

Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng Đan Mạch dành cho giày dép và quần áo không phải là quá lớn mỗi năm. Nhưng, Thụy Điển - quốc gia đông dân nhất Bắc Âu với dung lượng thị trường gần gấp đôi so với Đan Mạch và Na Uy, lại có chi tiêu khá mạnh cho giày dép, trung bình mỗi người 4 đôi/năm. Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu của Bắc Âu nên mỗi người dân thường phải có nhiều loại giày dép để đi theo mùa. Tất cả điều này khiến cho dung lượng thị trường Bắc Âu khá lớn. Hơn nữa, nhập khẩu giày dép Bắc Âu tăng ổn định qua các năm, thể hiện nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

“Các sản phẩm giày dép khi xuất khẩu vào EU, ngoại trừ Na Uy và Iceland phải chịu thuế nhập khẩu từ 3 - 17%, mức thuế khá cao. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế là đã ký Hiệp định EVFTA với EU xóa bỏ thuế quan từ ngày 1/8/2020 đối với khá nhiều sản phẩm giày dép như các sản phẩm giày dép có mã HS 6401, 6402, 6406 và hầu hết các mã 6405. Đối với các sản phẩm giày dép còn lại thuộc mã HS 6403, 6404 được cắt giảm thuế quan dần dần theo lộ trình 4 năm, 5 năm và tối đa 7 năm sẽ về 0% đã mang lại thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu giày dép khi thuế các mặt hàng giày dép hầu hết về 0%” – Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thuỵ Điển nhấn mạnh.

Khắc phục thách thức

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng được đánh giá là có những rào cản nhất định khi ở cách xa địa lý so với các nước Bắc Âu, chi phí vận chuyển cao và thời gian dài khiến cho giá thành của sản phẩm cũng cao lên.

Mặc dù có dung lượng thị trường khá lớn nhưng khi so sánh với các thị trường châu Âu khác, Bắc Âu vẫn là thị trường nhỏ. Yêu cầu đối với sản phẩm của người tiêu dùng Bắc Âu cũng cao hơn so với các nước châu Âu khác, điều này khiến cho các doanh nghiệp e ngại khi xuất khẩu vào đây.

Mặt khác, Bắc Âu được coi là khu vực các nước có nền văn minh cao nhất thế giới. Khi mua một sản phẩm, họ không chỉ xem xét về giá mà còn xem xét về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… Đối với giày dép cũng vậy, hiện người tiêu dùng Bắc Âu đang có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm giày dép sinh thái, có lợi cho môi trường, người tiêu dùng Bắc Âu sẽ không tiêu dùng các sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, còn có rất nhiều quy định của EU đối với mặt hàng giày dép như hóa chất, an toàn sản phẩm… cần phải tuân theo.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung Phát triển sản phẩm bền vững vì phân khúc thị trường giày dép được bán dưới dạng "công bằng" hoặc "bền vững" thực sự vẫn là một thị trường ngách cho các nhà sản xuất. Các quốc gia Bắc Âu là các nước đi đầu trên thế giới về phát triển xanh và bền vững. Người tiêu dùng nơi đây ưa chuộng dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, vào cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới của EU, là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn về một nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời với Chiến lược Dệt may, Ủy ban châu Âu đã trình bày một bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái, nhằm đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với các nhóm sản phẩm khác nhau, bao gồm cả quần áo và giày dép. Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái, trong khi ngành da giày phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sau.

Hiện nay, các sản phẩm dệt may, da giày xuất khẩu sang Bắc Âu cần lưu ý đến các quy định về nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu, được áp dụng cho tất cả các nước Bắc Âu: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan.

Một trong những yêu cầu mới nhất là thiết kế để tái chế. Theo đó, để đảm bảo rằng hàng dệt may, da giày được thiết kế để tái chế, nhãn sinh thái Bắc Âu đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các hóa chất không mong muốn và cấm sử dụng các bộ phận bằng nhựa, kim loại chỉ có mục đích trang trí…

Bên cạnh đó, để tránh sản xuất thừa, nhãn sinh thái Bắc Âu cấm đốt hoặc chôn lấp quần áo không bán được. Các nhà sản xuất phải báo cáo Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu việc xử lý sản phẩm dư thừa.

Các quốc gia Bắc Âu cũng yêu cầu khắt khe hơn đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp. Sợi dệt phải là sợi hữu cơ, tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học. Bông được sử dụng trong quần áo dán nhãn sinh thái Bắc Âu không làm được từ sản phẩm biến đổi gen (GMO) và phải là 100% hữu cơ hoặc tái chế. Len phải được chứng nhận hữu cơ hoặc tái chế…

“Cùng với dệt may, da giày Việt nam là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua, nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA. Do đó, doanh nghiệp dệt may, da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường để đáp ứng kịp thời các quy định. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tích cực tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thông tin về thị trường– bà Thuý khuyến cáo.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương