Xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc

(Banker.vn) Chỉ trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 3,62 triệu tấn, là mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trong bối cảnh khó khăn chung.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng vọt, doanh nghiệp ồ ạt thu gom Xuất khẩu gạo: Thị trường thuận lợi nhưng thiếu vốn Giá lúa gạo hôm nay 15/6: Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao

Xuất khẩu gạo tăng cả lượng và giá

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 3,62 triệu tấn, tăng khá cao so với cùng kỳ nhiều năm trước (cùng kỳ năm 2022 là 2,767 triệu tấn, năm 2021 là 2,591 triệu tấn, năm 2019 là 2,756 triệu tấn, năm 2018 là 2,945 triệu tấn...).

Xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc
Xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc trong 5 tháng đầu năm 2023

Đơn giá xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay tăng khá so với cùng kỳ nhiều năm trước, đạt 529,4 USD/tấn (năm 2022 là 489 USD/tấn, năm 2019 là 429,1 USD, năm 2018 là 505,1 USD). Đơn giá tăng có nguyên nhân là nhu cầu của thế giới tăng trong khi cuộc chiến Nga - Ukraina làm giá lương thực đắt lên, có nguyên nhân là cơ cấu chất lượng gạo của Việt Nam được cải thiện...

Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt quy mô cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm (1,906 tỷ USD so với 1,353 tỷ USD của năm 2022, 1,406 tỷ USD của năm 2021, 1,185 tỷ USD của năm 2019, 1,488 tỷ USD của năm 2018...). Mức tăng so với cùng kỳ của 5 tháng này cao hiếm thấy (lên đến 563 triệu USD) do lượng tăng, giá tăng, cơ cấu gạo có chất lượng cao hơn.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, vào tháng 4 vừa qua, Công ty cũng đã trúng thầu xuất khẩu 11.347 tấn gạo lức hạt dài sang thị trường Hàn Quốc với giá khá tốt, gần 600 USD/tấn.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu hơn 5.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu; khoảng 32.000 tấn gạo sang Hàn Quốc; ngoài ra còn xuất khẩu vào các thị trường như: Trung Đông, Malaysia, Trung Quốc…

Gạo xuất khẩu vào châu Âu là các loại gạo thơm với mức giá cao nhất là 1.250 USD/tấn, thấp nhất là 700 USD/tấn. Tại thị trường Hàn Quốc, giá xuất khẩu cũng đạt tới 595 USD/tấn. Đây là mức giá khá cao trong những năm gần đây.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam những tuần đầu tháng 6/2023 đạt khoảng 498 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 USD/tấn và 453 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng ghi nhận mức giá 478 USD/tấn, cao hơn Thái Lan khoảng 10 USD/tấn, cao hơn Ấn Độ khoảng 50 USD/tấn.

Đáng chú ý là trong khi giá gạo Việt Nam thường ổn định ở mức cao thì giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ thường có sự trồi sụt theo ngày. Như vậy phần nào có thể thấy, giá của gạo Việt Nam tăng cao ổn định thời gian qua một phần là do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng, nhưng phần khác cũng khẳng định chất lượng, uy tín hạt gạo Việt Nam đang được khẳng định ngày càng rõ nét ở nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau.

Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt khoảng hơn 24 triệu tấn. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo

Nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gạo, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 583/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (Chiến lược).

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA); gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường các nước phát triển.

Gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng và giá trị cao, nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023-2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026-2030 giảm khoảng 3,6%.

Trong giai đoạn 2023-2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%; phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

Trong giai đoạn 2026-2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%; phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

Đặc biệt, phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030. Đây là chìa khoá gia tăng giá trị xuất khẩu cho hạt gạo.

Về phía các bộ ngành, để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan hoàn thiện, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo để hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế điều hành, thúc đẩy xuất khẩu.

Song song đó, triển khai tuyên truyền, phổ biến thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu gạo sang các thị trường; nhất là trong bối cảnh xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân để am hiểu đầy đủ, rõ ràng đặc biệt các quy định của Hiệp định thương mại tự do về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc...

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương