Xuất khẩu gạo sang Indonesia: Nâng chất lượng và hướng đến phân khúc cao cấp

(Banker.vn) Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, định hướng tập trung thúc đẩy phân khúc gạo cao cấp, chinh phục khách hàng quốc tế.
Indonesia nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ năm 2023, cơ hội nào cho gạo Việt Nam? Indonesia chọn nguồn cung từ Việt Nam và Thái Lan để nhập khẩu gạo dự trữ Sản lượng giảm mạnh, Indonesia có thể thiếu đến 1,45 triệu tấn gạo Tận dụng RCEP để gia tăng hàng hóa, thương hiệu Việt tại Indonesia

Indonesia là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và hiện tại là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 30 trên toàn thế giới. Định hướng đến năm 2028, hai nước phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD.

Trong những tháng cuối năm 2023, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Indonesia, nhất là đối với mặt hàng gạo sẽ gia tăng đáng kể khi Indonesia chọn Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây của nước này. Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã có chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những cơ hội xuất khẩu cũng như thách thức mà doanh nghiệp cần lưu ý.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia: Nâng chất lượng và hướng đến phân khúc cao cấp
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia. Ảnh TTXVN

Thưa ông, mới đây, Indonesia đã chọn nguồn cung từ Việt Nam và Thái Lan để nhập khẩu thêm 1,5 tấn gạo dự trữ. Vậy xin ông cho biết, trong những tháng cuối năm, cơ hội xuất khẩu mặt hàng gạo sang thị trường này như thế nào?

Ông Phạm Thế Cường: Như Thương vụ đã thông tin, Indonesia sẽ nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới cuối năm, ngoài 2 triệu tấn gạo đã nhập từ đầu năm. Indonesia cũng xác nhận nguồn cung để nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo tới đây từ Việt Nam và Thái Lan với thời gian nhập bắt đầu từ cuối tháng 10/2023.

Cho tới nay, tất cả các giấy phép nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các cơ quan hữu quan Indonesia ban hành. Với động thái này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội lựa chọn các đơn hàng bán gạo xuất khẩu tốt hơn đảm báo có lợi nhất cho doanh nghiệp và cho người nông dân trồng lúa.

Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam cho thị trường Indonesia tới đây sẽ phụ thuộc khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Cơ hội để gia tăng xuất khẩu chúng ta đều thấy rõ, tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, thị trường trong nước và thế giới nhiều biến động, do vậy, Thương vụ có những khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Indonesia nói chung?

Ông Phạm Thế Cường: Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 sẽ gặp nhiều thuận lợi do nguồn cung thế giới thiếu hụt, các nước có nhu cầu gia tăng dự trữ lúa gạo để ứng phó với hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, sự thuận lợi này chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ giảm bớt khi có thời tiết thuận lợi cho sản xuất lúa gạo.

Hiện nay, với chính sách ngày càng chú trọng, quan tâm tới sản xuất lúa gạo, đảm bảo mục tiêu tự cung ứng đủ lương thực, hướng tới trở thành nước xuất khẩu gạo trong thời gian gần, dự báo, xu hướng nhập khẩu gạo của Indonesia sẽ tiếp tục giảm và nước này tiếp tục duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh của gạo nhập khẩu tại thị trường Indonesia sẽ ngày càng gay gắt, do vậy, để có thể duy trì, củng cố vị thế gạo của Việt Nam (vốn đã được người tiêu dùng Indonesia biết đến) trong bối cảnh Indonesia chưa có nhiều giống lúa chất lượng và năng suất cao, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, định hướng tập trung thúc đẩy phân khúc gạo hạt dài cao cấp, gạo nếp, đa dạng hóa các chủng loại gạo (như gạo hữu cơ).

Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần đảm bảo không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; cần có chiến lược quáng bá về thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó, sử dụng nhiều kênh, nhiều hình thức như: tham gia Hội chợ nông sản quốc tế, thông qua các doanh nghiệp Việt kiều để quảng bá và bán sản phẩm gạo của Việt Nam... để quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và luôn đảm bảo chất lượng gạo và thời gian giao hàng đúng hạn.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia: Nâng chất lượng và hướng đến phân khúc cao cấp
Indonesia là thị trường có nhiều tiềm năng nhưng cũng là thị trường bảo hộ cao nhất tại ASEAN, do đó cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý

Indonesia là thị trường có nhiều tiềm năng nhưng cũng là thị trường bảo hộ cao nhất tại ASEAN bởi: Hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); Tiêu chuẩn quốc gia (SNI); quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... Tuy nhiên, để vượt qua các thách thức, trở ngại này các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Indonesia, chủ động xin giấy chứng nhận Halal, tiêu chuẩn quốc gia (SNI) đối với các nhóm hàng thuộc diện phải có các chứng nhận.

Các giấy chứng nhận này luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà nhập khẩu Indonesia khi có bất cứ nhà cung cấp/bán hàng nào muốn tiếp cận. Việc nắm rõ và đáp ứng đầy đủ các qui định nhập khẩu của Indonesia sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh tiếp cận thị trường (đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ) thông qua các nền tảng thương mại vốn phổ biến tại Indonesia như: Tokopedia, Lazada, Shoppee... vì hiện nay, Indonesia có quy mô và tốc độ phát triển thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 9 tháng năm 2023 đạt giá trị 3,79 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều kỳ vọng hơn thế nữa. Do đó, để khai thác tối đa dư địa của thị trường Indonesia, ông có thể cho biết định hướng, giải pháp xúc tiến thương mại, gia tăng thương hiệu Việt Nam tại thị trường này thời gian tới?

Ông Phạm Thế Cường: Thực hiện các chỉ đạo công tác của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch xúc tiến, quảng bá hàng hóa xuất khẩu, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh thâm nhập thị trường Indonesia.

Trong thời gian tới, để đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Thương vụ Việt Nam sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến để thông tin, phổ biến, giải đáp các quy định của Indonesia về Halal; tiêu chuẩn quốc gia SNI; các quy định nhập khẩu; thị trường, giao dịch thương mại điện tử.

Song song đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng sang các địa phương ngoài đảo Java, thông qua phối hợp với các Phòng Thương mại các địa phương tổ chức các buổi tạo đàm giới thiệu ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và Indonesia (theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến).

Hiện nay, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Indonesia, để góp phần giảm bớt thâm hụt thương mại thì việc vận động thu hút thêm nhiều đầu tư FDI của Indonesia vào Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất là hết sức cần thiết, vừa góp phần giảm xuất khẩu của Indonesia sang Việt Nam, đồng thời gia tăng xuất khẩu của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương