Không chỉ lợi ích kinh tế
Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trên thế giới, số lượng quốc gia có thể sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu của chính mình và còn xuất khẩu được thì không nhiều và Việt Nam là một trong số đó.
Những quốc gia này, không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực của đời sống người dân nước mình, mà còn giữ vai trò, trọng trách lớn hơn thế, ý nghĩa hơn thế đối với thị trường gạo toàn cầu. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung như hiện tại, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.
Theo TS Võ Trí Thành, cần nhìn nhận, đây không còn chỉ là vấn đề được mùa được giá của người nông dân, vấn đề kinh doanh có lãi của thương lái, của doanh nghiệp hay điều hành đảm bảo an ninh lương thực của cơ quan quản lý nhà nước chúng ta nữa. Câu chuyện về gạo lớn hơn là một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần hay thậm chí còn lớn hơn việc đảm bảo an ninh lương thực của một quốc gia.
“Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia. Nhiều bài toán đặt ra ở thời điểm hiện tại, và tôi cho rằng Bộ Công Thương đang nỗ lực hài hòa lợi ích các bên, một mặt trước hết đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu gạo Việt. Đây là hướng đi đúng, hợp lý”, TS Võ Trí Thành đánh giá.
Vận chuyển gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời tại Tân cảng Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Hiện nay giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tiến sát ngưỡng 620 USD/tấn, nhưng không ít doanh nghiệp gặp khó trong thu mua lúa đáp ứng đơn hàng. Theo TS Võ Trí Thành, tình hình những ngày tới là rất khó dự báo. Đối với cung ứng nội địa, việc đảm bảo an ninh lương thực cần hiểu đúng theo 2 nghĩa là đảm bảo có đủ và đảm bảo tiếp cận được.
Đảm bảo có đủ, tức phải đảm bảo nguồn cung cho người dân, dự trữ ổn định. Để làm được điều này, việc đảm bảo nguồn cung này cần tính toán kĩ lưỡng, vượt trên ngưỡng thông thường, xét đến bối cảnh khó đoán định thời gian tới.
Đảm bảo tiếp cận được, tức người dân phải mua được, với giá bình ổn, tránh để giá tăng cao theo xu hướng chung của thế giới, ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
“Việc Bộ Công Thương có công văn khẩn đến các đơn vị, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước mới đây tôi cho là một phản ứng chính sách nhanh nhạy trong điều hành. Việc theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, các kho để kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng lúc này là hết sức cần thiết”, TS Võ Trí Thành đánh giá.
Đối với doanh nghiệp, TS Võ Trí thành cho rằng, để giải quyết bài toán đảm bảo hợp đồng mà các doanh nghiệp đang đối diện, cần tăng cường tính linh hoạt trong việc kí kết các hợp đồng, tránh để xảy ra tranh chấp, đánh mất uy tín trên thị trường. Người nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu cần tính đến đường dài, đảm bảo thực hiện hợp đồng để giữ được thị trường trong tương lai thông qua nắm chắc mối liên kết dài hạn với các đối tác.
Không để giá gạo tăng đột biến, ảnh hưởng CPI trong nước
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, trong 7 tháng qua, chúng ta xuất khẩu hơn 4,83 triệu tấn lúa gạo, trị giá hơn 2 tỷ USD. So với những năm trước, con số này tăng khoảng 15-20%, tăng về cả giá trị lẫn sản lượng xuất khẩu.
“Không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng mừng bởi doanh thu, lợi nhuận từ xuất khẩu lúa gạo tăng cao. Cái mừng lớn nhất là tuy thị trường lúa gạo thế giới biến động lớn nhưng thị trường tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì ổn định. Từ những điều kể trên, có thể thấy, đây là một tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này”, chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại, khi trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý.
Bởi vì mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong "rổ" tính giá CPI. Chính vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ.
“Với cái lo này, thì từ Chính phủ cho tới Bộ, ban, ngành cùng với doanh nghiệp, người dân phải tính tới và chung tay kiểm soát. Vừa qua, Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm sao vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là đúng đắn, bởi nếu cứ chạy theo giá gạo tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay là làm sao không để đứt, bám sát thị trường, làm ăn tử tế, trách nhiệm. Không thể vì giá lúa gạo tăng cao mà ta tăng theo mãi.
“Nói rõ hơn, là chúng ta đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng. Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo, đôi khi ta lại trượt chân trên chính sân nhà. Như chỉ thị của Thủ tướng, chúng ta cần làm ngay việc quy hoạch lại vùng trồng lúa để đảm bảo sản lượng một năm phải đạt 42 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn. Đó là cái đích mà chúng ta phải thực hiện ngày để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu”, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho hay.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam cần sớm tìm cách hiệu quả nhất để nâng cao năng lực xuất khẩu lúa gạo trên ra thị trường quốc tế. Từ việc hoàn thiện chuỗi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho tới hệ thống kho bãi, cảng biển xuất khẩu…
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|