Mặt hàng nào của Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 6 thế giới? Thị trường Mỹ: Cơ hội lớn thế nào cho xuất khẩu dệt may năm 2024? |
Những dấu hiệu sáng
Theo kết quả nghiên cứu và phân tích của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tình trạng khó khăn tại một số thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam đã có sự cải thiện.
Cụ thể, kinh tế Mỹ vẫn “vững” trong bối cảnh lãi suất neo cao. Chi tiêu hộ gia đình - động lực chính cho tăng trưởng của quốc gia này, vẫn tỏ ra mạnh mẽ giữa tình trạng lạm phát, lãi suất cao. Trong tháng 9, người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức lạm phát dưới 4%.
Tại châu Âu, tín hiệu tích cực đến từ việc lạm phát trong tháng 9 giảm còn 4,3% (từ mức 5,2% và 5,3% trong tháng 7 và tháng 8), mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu phục hồi tích cực từ tháng 8 với doanh số bán lẻ tăng 4,6% theo năm (vượt xa mức dự báo 3%), sản xuất công nghiệp cũng tăng 4,5%/năm trong tháng 8 (mức dự báo là 3,9%).
Xuất khẩu dệt may đã bớt khó? |
Về phía ngành dệt may, tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ, kéo kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ giảm 14,2% so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu 8 tháng 2023 giảm hơn 15% so cùng kỳ). Giai đoạn 9 tháng đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, điểm sáng ở thị trường Mỹ khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 tăng 2% so cùng kỳ năm trước, đạt 1,05 tỷ USD, vẫn duy trì vị trí nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần trên 18%; xuất khẩu đi Trung Quốc tăng 11% so cùng kỳ, đạt 290 triệu USD.
Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp trong ngành, đơn hàng xuất khẩu bắt đầu dần quay trở lại trong những tháng cuối năm cho thấy tín hiệu tích cực. Các yếu tố kinh tế trong nước cũng ủng hộ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng khi: Lãi suất cho vay trong nước tiếp tục giảm, tỷ giá VND/USD bắt đầu có lợi cho xuất khẩu khiến lợi thế về tỷ giá của các quốc gia cạnh tranh này không còn rõ rệt như 2 năm vừa qua.
Sự hồi đáp từ thị trường trong nước
Những tín hiệu tích cực của thị trường thế giới đã bắt đầu tác động vào các doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu theo tháng có dấu hiệu hồi phục.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ giảm của kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2023 ở mức 12% so với cùng kỳ năm trước đã giảm hơn so với con số 14% của 9 tháng.
“Thị trường chưa có động lực để sáng lên rõ rệt từ nay đến cuối năm 2023 cũng như quý đầu năm 2024 nhưng phải khẳng định thời điểm khó khăn nhất của thị trường trong năm 2023 đã đi qua, thị trường hướng đến sự phục hồi tuy chậm nhưng chắc chắn”, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định.
Thêm vào đó, Mỹ - thị trường chiếm 40% - 45% thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng có thêm động lực hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới khi Việt Nam và Mỹ đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sau khi ký kết tuyên bố chung. Điều này hứa hẹn việc hợp tác cũng như phát triển thương mại giữa hai quốc gia trong đó có cả ngành dệt may. Do vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.
Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được khuyến cáo cần tích cực tìm nguồn đa dạng trong chuỗi cung ứng cũng như xác định nguồn gốc rõ ràng của nguyên liệu sản phẩm, tuân thủ các quy định của Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ; đáp ứng linh hoạt yêu cầu của nhà mua hàng; tích cực tham gia rà soát chuỗi cung ứng, tận dụng được những khe hở của thị trường.
Ông Đỗ Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Mỹ cũng lưu ý, doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh trong nước, xác định rõ thị trường và sản phẩm, tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường; cải thiện chất lượng hoá cũng như công nghệ sản xuất.
Doanh nghiệp cũng cần ngoài tìm kênh phân phối lớn, tìm đến các thị trường ngách, bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi giảm các nhu cầu thì họ sẽ ngắt kết nối khiến cho hoạt động xuất khẩu bị đứt gãy. Đặc biệt, khi xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương, ký kết hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.
Với thị trường châu Âu, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải cac bon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng… với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU. “Với các quy định này, điều đáng lo ngại với doanh nghiệp dệt may là khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế”, ông Trần Ngọc Quân cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU giúp các ngành hàng dệt may của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU. Để tận dụng được các ưu thế này, đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Mặt khác, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp. “Thương vụ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng cơ hội xuất khẩu tại EU”, ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.
Hải Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|