Xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN bật tăng

(Banker.vn) Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore bật tăng.
Xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD Năm 2023, Hiệp định EVFTA có cứu cánh cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU?

Trong đó, hai thị trường có kim ngạch tăng cao đáng chú ý là Thái Lan và Singapore.

Cụ thể, trong 02 tháng đầu năm 2023, tuy tổng kim ngạch thương mại song phương giảm nhẹ 6% (chủ yếu do giảm kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam), xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore cũng như kim ngạch từng chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 1,49 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN bật tăng
Xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN bật tăng

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 677,7 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung khu vực ASEAN, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN đạt 4,96 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thái Lan và Singapore là hai thị trường chủ lực của Việt Nam ở khu vực ASEAN - thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như: Khoảng cách địa lý gần, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng. Trong ASEAN có Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA); giữa Việt Nam và một số nước thành viên ASEAN có các thỏa thuận song phương tạo thuận lợi cho thương mại.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm sang các thị trường trong khối ASEAN. Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào các nước ASEAN đều yêu cầu có chứng nhận Halal. Chứng nhận này cũng được coi như tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn.

Cùng với việc lưu ý doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang các nước ASEAN, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp chú ý tới các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia trong khối.

Thông tin về các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu sang ASEAN, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.

Mục đích là đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia tiếp cận trực tiếp với thị trường Malaysia thông qua việc tổ chức hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp tại nước này. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến, nhất là việc xác minh đối tác.

Với dân số trên 650 triệu người, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, có vị trí thuận lợi trong kết nối với Việt Nam, ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác thị trường ASEAN và cải thiện vị trí của mình trong mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị khu vực.

Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương