Xuất khẩu cao su tăng trưởng tích cực trong Quý I/2024, do đâu?

(Banker.vn) Quý I/2024, kinh tế thế giới không hề lạc quan, nhiều biến động song hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng trưởng tích cực nhờ giá cao su tăng mạnh.
Giá cao su phục hồi mở ra triển vọng khả quan cho ngành "vàng trắng" trong nước Việt Nam là thị trường ngoài khối cung cấp cao su lớn thứ 12 cho EU Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 3 của Việt Nam Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cao su sẽ biến động mạnh thời gian tới

Giá cao su xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Bản tin thị trường Nông - Lâm - Thủy sản số ra mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, trong quý I/2024, xuất khẩu cao su tăng trưởng tích cực nhờ giá cao su tăng mạnh. Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đơn vị này cho biết trong Quý I/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023

Trong 3 tháng đầu năm, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm 86,53% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 362,27 nghìn tấn, trị giá 525,54 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu cao su tăng trưởng tích cực trong Quý I/2024, do đâu?
Trong quý I/2024, xuất khẩu cao su tăng trưởng tích cực nhờ giá cao su tăng mạnh. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong Quý I, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam với 287,85 nghìn tấn, trị giá 407,83 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 69,48% về lượng và chiếm 67,15% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước. Đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ với 28,95 nghìn tấn, trị giá 45,15 triệu USD, tăng 67,1% về lượng và tăng 82,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,99% về lượng và chiếm 7,43% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.

Về chủng loại xuất khẩu, trong Quý đầu năm, thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 57% về lượng và chiếm 56,78% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, với 236,17 nghìn tấn, trị giá 344,87 triệu USD, giảm 9% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,52% về lượng và chiếm 99,24% về trị giá trong tổng xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước, với 235,49 nghìn tấn, trị giá 342,24 triệu USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Về giá xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trong Quý I, giá xuất khẩu hồi phục đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cau su trong nước. Cụ thể, trong Quý, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su phần lớn đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất là: SVR CV40 đạt 1.788 USD/tấn, tăng 14,8%; Latex đạt 1.173 USD/tấn, tăng 13,1%; RSS1 đạt 1.782 USD/tấn, tăng 12%; RSS3 đạt 1.696 USD/tấn, tăng 11,3%; SVR 10 đạt 1.525 USD/tấn, tăng 10,5%...

Cơ hội để ngành cao su đẩy mạnh xuất khẩu

Cũng theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, trong các tháng đầu năm 2024, thị trường cao su vẫn bị chi phối bởi kinh tế toàn cầu không hoàn toàn lạc quan do căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, đặc biệt là xung đột Nga với Ukraina; cùng đó là các cuộc đảo chính quân sự ở châu Phi và bất ổn ở Trung Đông đã mang đến những thách thức đối với chuỗi cung ứng và logistics toàn cầu.

Tuy nhiên, giá cao su vẫn tăng trưởng đáng kể do nguồn cung khan hiếm bởi các yếu tố mùa vụ và nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu.

Trong các tháng đầu năm 2024, nhập khẩu cao su của các thị trường như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Malaysia đều có xu hướng tăng do nhu cầu dần được cải thiện. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc và EU giảm.

Qua số liệu thống kê cho thấy, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp. Cụ thể, với thị trường Trung Quốc, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong Quý I/2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,87 triệu tấn cao su, trị giá 2,92 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 405,4 nghìn tấn, trị giá 563,91 triệu USD, giảm 2,9% về lượng, nhưng tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 19,32% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 18,1% của cùng kỳ năm 2023.

Với thị trường Ấn Độ, số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ cũng cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, Ấn Độ nhập khẩu 188,67 tấn cao su, trị giá 339,16 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, nhập khẩu cao su của Ấn Độ từ Việt Nam đạt 22,22 nghìn tấn, trị giá 34,37 triệu USD, tăng 182,7% về lượng và tăng 201,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, thị phần cao su Việt Nam chiếm 10,13% trong tổng trị giá nhập khẩu của Ấn Độ, cao hơn so với mức 3,81% của 2 tháng đầu năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Ấn Độ quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại xe điện được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD và bắt đầu sản xuất trong nước trong vòng 3 năm. Điều này hứa hẹn triển vọng tốt đối với ngành công nghiệp ô tô của quốc gia này và nhu cầu về cao su cũng tích cực hơn cho hoạt động sản xuất lốp xe trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành cao su Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất toàn cầu.

Hoàng Dương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục