Xuất khẩu cá tra sang CPTPP: Mexico và Canada lấy lại "sắc xanh tăng trưởng”

(Banker.vn) 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP đạt hơn 200 triệu USD, dù giảm so với cùng kỳ, song thị trường Mexico, Canada lấy lại "sắc xanh tăng trưởng"
10 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD Tận dụng lợi thế từ EVFTA, xuất khẩu cá tra sang Đức tăng trưởng mạnh Xuất khẩu cá tra năm 2023 đạt khoảng 1,7 tỷ USD

Dẫn số liệu từ Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 10 tháng năm 203, xuất khẩu cá tra Việt Nam thị trường các nước thành viên CPTPP đạt hơn 200 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đi các thị trường.

Mặc dù ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng giá trị xuất khẩu cá tra sang CPTPP trong tháng 10 năm nay không cao như một vài tháng trước đó (tháng 3 và tháng 8/2023 ghi nhận kim ngạch 23,4 triệu USD và 23,3 triệu USD).

Xuất khẩu cá tra sang CPTPP: Mexico và Canada lấy lại
Mức tăng trưởng chung trong tháng 10 được đóng góp bởi tăng trưởng kim ngạch từ 2 thị trường thành viên là Mexico và Canada. Ảnh minh họa

Đặc biệt, theo thông tin từ VASEP, tháng 10/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP lần đầu tăng trưởng dương sau 9 tháng sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt hơn 23 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng chung trong tháng 10 được đóng góp bởi tăng trưởng kim ngạch từ 2 thị trường thành viên là Mexico và Canada.

Cới thị trường Mexico, trong tháng 10/2023, thị trường này vẫn giữ được phong độ tăng trưởng, khi tiếp tục là thành viên dẫn đầu trong khối thị trường này về tiêu thụ cá tra Việt Nam, với hơn 7 triệu USD, tăng 10% so với tháng 10/2022. Giá trị nhập khẩu của quốc gia này trong tháng đầu Quý IV/2023 cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm nay.

Về cơ cấu sản phẩm, tính đến hết tháng 10/2023, Mexico mua từ Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm cá tra phile đông lạnh mã HS 0304, chiếm đến 93% tỷ trọng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 9 và tháng 10/2023, tiêu thụ sản phẩm này tại Mexico tăng trưởng dương lần lượt là 36% và 12% trong khi các tháng trước đó đều sụt giảm 2 con số.

Ngoài Mexico, Canada cũng là quốc gia có tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10 năm nay về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Chỉ tính riêng tháng 10/2023, Canada đã mua gần 4 triệu USD cá tra, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm phile đông lạnh vẫn là phân khúc sản phẩm được ưa thích nhất tại quốc gia có diện tích lớn thứ hai trên thế giới.

Cũng trong tháng 10/2023, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Canada đạt 3 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. 10 tháng đầu năm, Canada đã mua gần 27 triệu USD sản phẩm này, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các thị trường khác trong khối như Singapore, Nhật Bản, Australi... hầu hết vẫn chứng kiến sụt giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 10 năm nay.

VASEP nhận định, xu hướng xuất khẩu cá tra sang các thị trường khối CPTPP tháng cuối năm khó dự đoán do tăng giảm thất thường. Điển hình là Singapore, khi xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng tốt trong 3 tháng đầu năm, nhưng sau đó đảo chiều giảm trong những tháng sau đó.

Dù vậy, VASEP cho rằng, dư địa ở khối thị trường CPTPP vẫn còn nhiều đối với thủy sản Việt Nam trong đó có cá tra. Lựa chọn sản xuất hàng giá trị gia tăng và tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP cũng có thể là những phương án cho nhiều doanh nghiệp vừa để ổn định việc làm cho người lao động, vừa để tận dụng công suất chế biến.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương