Thị trường nhập khẩu được đánh giá phục hồi, tăng trưởng tốt
Chia sẻ tại Hội nghị "Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022" diễn ra sáng ngày 25/2, bà Tô Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, kết thúc năm 2021 xuất khẩu cá tra cán đích 1,6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2020. 3 thị trường gồm: Trung Quốc, Mỹ, CPTPP chiếm trên 63% giá trị xuất khẩu cá tra, đạt trên 1 tỷ USD. Các thị trường có sự tăng trưởng ấn tượng: Brazil (48,6%); Nga (72%); Ai Cập (52%) và Thái Lan đã góp phần vào sự đa dạng thị trường nhập khẩu cá tra năm 2021.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc liên tục sụt giảm nhưng Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là nước nhập khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam với kim ngạch 450 triệu USD, giảm 12,6% so với năm trước.
Xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng trưởng ổn định trong cả năm, và giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của ngành cá tra Việt Nam với kim ngạch đạt 370 triệu USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng của thị trường Mỹ trong năm 2021 là kết quả của sự gia tăng về sản lượng do nhu cầu tiêu thụ tăng và giá xuất khẩu cũng liên tục tăng trong cả năm.
EU thị trường EU xếp ở vị trí thứ 4, kim ngạch xuất khẩu của thị trường này cả năm chỉ đạt 106 triệu USD. Sự cạnh tranh khốc liệt về giá các loại cá thịt trắng, các tiêu chuẩn, qui định ngày càng nghiêm ngặt tại thị trường này, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp dần dần ít đầu tư vào thị trường EU.
Sự sụt giảm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong năm 2021 vừa tạo ra thách thức thúc đẩy các doanh nghiệp cá tra, vừa tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, kết quả kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này đã tăng trưởng đáng kể như: Nga tăng 72%, Ai Cập tăng 51%, Brazil tăng 48%... so với năm 2020.
Bà Tô Tường Lan cho biết, tháng 1/2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã thực sự hồi phục sau Covid-19 với tổng giá trị đạt 213,6 triệu USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các thị trường đều hồi phục sau khi Covid-19 được kiểm soát. Đây là tín hiệu tích cực được mong đợi nhất.
Thị trường nhập khẩu cá tra năm 2022 được đánh giá phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó, nhóm 4 thị trường chính gồm: Trung Quốc (31%); Mỹ (23%); CPTPP (13%) và EU (6,6%) chiếm 73,6% đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ. Giá cá xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi trồng, logistics, lao động… Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so năm 2021. “Bên cạnh sự phục hồi các thị trường truyền thống, mức tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường mới nổi gần đây sẽ góp phần vào sự hồi phục của ngành cá tra trong năm 2022 và các năm tới, quan trọng hơn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, bà Tô Tường Lan chia sẻ.
Cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu
Dù vậy, bà Tô Tường Lan cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên đánh giá và định hướng người nuôi, cân bằng cung cầu nhằm tăng lợi nhuận và giá trị cho ngành cá tra. Bởi lẽ, tuy phục hồi nhưng chưa chấm dứt vẫn là thách thức cho chuỗi cung ứng, chi phí leo thang, tình hình vận tải biển vẫn chưa có giải pháp tích cực. Lạm phát tăng tại Mỹ có thể khiến sức mua giảm. Sức tăng đột biến như năm 2021 khó xảy ra.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2022 - 2023 sẽ có nhiều thuận lợi về giá nguyên liệu và giá xuất khẩu cá tra, sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2022 - 2023. Giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá tra của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.
Dù vậy, vẫn còn những khó khăn nhất định. Hiện giá cá tra nguyên liệu khoảng 30.000 đồng/kg, nguồn cung mới bị giới hạn do tác động Covid-19 nên diện tích nuôi trồng giảm mạnh, giá cá phi lê đông lạnh được dự báo sẽ tăng tiếp tục. Tuy nhiên, nếu cước tàu tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng thêm nhiều hơn nữa do cạnh tranh với giá nhiều loại cá biển và giá thịt gà, gia cầm khác.
Để tận dụng lợi thế, phát triển bền vững ngành hàng cá tra năm 2022, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng khuyến nghị, cần tập trung và tăng cường tháo gỡ khó khăn cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tạo ra do ảnh hưởng của Covid-19, để ngành sớm trở lại hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường. Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế - củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới. “Tập trung phát triển các thị trường có sẵn, ở 4 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN với thị phần chiếm từ 50 - 60%. Xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng”, đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến nghị.
Năm 2022, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vaccine cho toàn dân được thực hiện và dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhu cầu thế giới đối với các mặt hàng thủy sản gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng nóng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân đối cung cầu và khả năng bùng phát những vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Do đó, cùng với việc tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, nâng cao năng lực để ứng phó với sự thay đổi của thị trường, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho rằng, cần tập trung kiểm soát chất lượng con giống, vật tư, sản phẩm, kiểm soát diện tích thả nuôi cá tra trước tình hình giá cá tra nguyên liệu tăng cao, tiềm ẩn rủi ro tăng trưởng nóng và bất ổn. Về phía các doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu cá tra sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP...
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|