Xuất khẩu cá tra: Kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc

(Banker.vn) Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam về tiêu thụ cá tra. Năm 2024, kỳ vọng nhu cầu từ Trung Quốc sẽ phục hồi tốt hơn so với năm 2023.
Thị trường thuận lợi, xuất khẩu cá tra thêm cơ hội Thêm cơ hội cho cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ và EU

Việc Trung Quốc mở cửa mạnh dạn hơn so với năm 2023 khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này dần tăng trở lại. Năm 2024, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng nhu cầu từ Trung Quốc sẽ phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

Bà Thanh Hiếu - đại diện Công ty TNHH Thanh Hiếu Foodstuff (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, với các mặt hàng chế biến chính như cá tra, cá rô phi đen, cá basa… Thanh Hiếu Foodstuff chuyên xuất khẩu qua các thị trường Trung Đông, châu Phi và một số nước châu Á.

Từ cuối năm 2023, thị trường Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi mạnh nhất. Đây cũng là thị trường khá thuận lợi cho doanh nghiệp Việt nhờ vị trí địa lý tiếp giáp, giúp quá trình giao vận nhanh chóng, tiết kiệm hơn.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN
Xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc kỳ vọng phục hồi tốt trong năm 2024

Chính vì vậy, trong năm 2024, Thanh Hiếu Foodstuff sẽ nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều khách hàng tại Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục duy trì kết nối giao thương với các khách hàng cũ, giữ vững uy tín và kết nối với khách hàng mới trong khả năng.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc cũng được đưa ra từ CTCP Vĩnh Hoàn. Theo bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc khối kinh doanh Vĩnh Hoàn, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu cá tra từ Trung Quốc cũng phục hồi khi sản phẩm này được sử dụng rộng rãi và ưa thích tại các hệ thống nhà hàng, quán ăn.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu cá tra vào trường Trung Quốc, VASEP nhìn nhận, năm 2024, Trung Quốc sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra, đặc biệt sau khi nước này dỡ bỏ hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng dịch Covid. Việc nới lỏng chính sách kiểm soát xét nghiệm axit nucleic phần nào giúp cải thiện nhu cầu thực phẩm và hải sản tại thị trường này. Đây là cơ hội để cá tra Việt Nam thâm nhập sâu hơn và gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. “Người tiêu dùng tại Trung Quốc đại lục vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam về tiêu thụ cá tra. Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc đang tích trữ hàng để cung cấp cho nhu cầu khổng lồ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho khách sạn, nhà hàng, và ngành dịch vụ, du lịch”, VASEP thông tin.

VASEP cũng lưu ý, năng suất và sản lượng cá tra hàng năm của Việt Nam tuy vẫn ở mức cao, nhưng phải cạnh tranh với nhiều nước. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp cần thực hiện thay đổi quy định sản xuất để thúc đẩy thương mại, cải thiện thị trường. Đồng thời tận dụng phụ phẩm chế biến để tạo ra giá trị mới. Năm 2024 được dự đoán nhu cầu cá tra Việt Nam tại nhiều thị trường vẫn sẽ lớn, tuy nhiên xuất khẩu cá tra năm 2024 sẽ không chỉ tập trung vào các phile đông lạnh, sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, mà còn mở rộng thêm sản phẩm cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm (bong bóng cá, chả cá tra).

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương