Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

(Banker.vn) 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt gần 302 triệu USD, tăng 22%, đáng chú ý, nhiều thị trường xuất khẩu ghi nhận tín hiệu xuất khẩu tích cực.
Xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan tăng 786% Chile đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 4/2024 tăng trưởng cao tại hầu hết các thị trường chính. Giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng này đạt gần 87 triệu USD, tăng 29%. Lũy kế, 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 302 triệu USD, tăng 22%.

Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Tính riêng 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này đạt 154 triệu USD năm 2024, tăng 70% so với năm 2020.

Trái lại, xuất khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh, trong đó chủ yếu là thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304, không ổn định. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2022, xuất khẩu nhóm sản phẩm này giảm mạnh. Bước sang năm 2024, xuất khẩu nhóm sản phẩm đã tăng trở lại, tuy nhiên mức tăng không cao – tăng 6% so với cùng kỳ.

Về thị trường, tháng 4/2024, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 90 thị trường. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Israel, Canada, Nhật Bản, hay Mexicô… đều tăng nhanh hơn.

Tại thị trường Mỹ và EU, Nga hay Hàn Quốc đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4/2024 so với cùng kỳ tăng gấp đôi so với tháng trước đó, đạt lần lượt là 37%, 71%, 32% và 158%. Trong đó, đáng chú ý tại khối thị trường EU, xuất khẩu sang 3 thị trường dẫn đầu là Italy, Đức và Hà Lan đều tăng trưởng “phi mã” ở mức 3 con số. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, sự tăng trưởng này là do lượng tồn kho tại các thị trường giảm chứ thực sự nhu cầu thị trường vẫn thực sự khả quan hơn.

Mặt khác, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện tại, ngành cá ngừ vẫn bị kìm hãm bởi nút thắt thiếu nguyên liệu, vì sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải tăng nguồn cung từ nhập khẩu. Trong khi đó, các quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam về việc không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi này tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP đang khiến cho nút thắt này thêm tắc nghẽn.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương