Xuất hiện "sóng" gom hàng - một chu kỳ tăng mới với cổ phiếu ngành lúa gạo

(Banker.vn) Phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 24/7, ngay khi vừa mở cửa, làn sóng gom hàng đã bắt đầu với nhóm cổ phiếu ngành lúa gạo...

Tạm dừng phiên sáng, tại Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR), hơn 4,8 triệu cổ phiếu đã được "sang tay" và thị giá tăng 8,70%. Kế đó là ông lớn ngành thực phẩm Tập đoàn Pan (HOSE: PAN) chứng kiến cổ phiếu tăng sát trần và thanh khoản lên gần 2,3 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu AFX của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) cũng bứt phá 8%, dù khối lượng không quá cao. Cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời tăng 8%. Với Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM), cổ phiếu không được hưởng lợi từ tâm lý hưng phấn trên thị trường vì cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.

Cổ phiếu lúa gạo xuất hiện "sóng" gom hàng
Diễn biến giá cổ phiếu doanh nghiệp gạo phiên sáng 24/7

Đà tăng bứt phá diễn ra sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo trắng phi basmati từ ngày 20/07 với mục tiêu kìm hãm đà tăng của giá lương thực. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (chiếm hơn 40% thương mại gạo thế giới) và cũng là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc).

Các chuyên viên phân tích đánh giá lệnh cấm có thể khiến giá gạo vốn đã cao nay còn cao hơn. Trước đó, Ấn Độ cũng cấm xuất khẩu gạo tấm trong tháng 9/2022. "Nguồn cung gạo trên toàn cầu sẽ bị thắt chặt đáng kể vì Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo thứ hai thế giới", Eve Barre, Chuyên gia kinh tế về ASEAN tại công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface, cho hay.

Giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng

Với vị thế là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới (chiếm 13% thị phần), Việt Nam được nhận định sẽ đón nhận nhiều cơ hội lớn trong bối cảnh nguồn cung gạo trên toàn cầu đang ngày càng bị thắt chặt hơn khi Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu gạo tẻ vào ngày 20/7. Lệnh cấm này là nỗ lực mới nhất của Ấn Độ trong việc bình ổn giá gạo nội địa và đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo trong nước.

Gạo tẻ vốn chiếm khoảng 80% tổng lượng gạo được Ấn Độ xuất khẩu hàng năm và với việc chiếm 40% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ sẽ tác động đáng kể đến nguồn cung gạo của hơn 100 quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Phi như Senegal và Bờ Biển Ngà.

Ngoài ra, nguồn cung gạo từ Pakistan trong thời gian tới nhiều khả năng cũng sẽ giảm xuống khi nước này vừa trải qua loạt diễn biến thời tiết bất lợi như siêu bão Biparjoy vào cuối tháng 6 vừa qua. Thời tiết cực đoạn trong chu kì El Nino cũng sẽ gây sức ép lên diện tích canh tác cùng năng suất trồng trọt của nước này trong vụ Hè – Thu năm nay. Trước đó, trong niên vụ 2022/2023, bão lũ đã làm giảm 31% sản lượng lúa gạo của Pakistan. Thông thường, Pakistan chiếm 7,6% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu.

Xuất hiện
Giá gạo xuất khẩu của nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng vọt so với thời điểm đầu năm nay và so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái (Nguồn: TPS tổng hợp)

Diễn biến thiếu hụt nguồn cung và khoảng trống thị trường do Ấn Độ và Pakistan để lại đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhờ trữ lượng lúa gạo trong nước hiện ở mức tương đối lớn và dự kiến sẽ gia tăng thêm sau khi vụ thu hoạch Hè Thu kết thúc.

Tính đến đầu tháng 6, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi chiếm đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước mới chỉ thu hoạch khoảng 81.800 ha, bằng 70% so với cùng kỳ, tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Qua đó, sản lượng lúa gạo thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn dư địa gia tăng mạnh khi vụ Hè-Thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 7 và tháng 8.

Trong khi đó, theo đánh giá của hãng nghiên cứu Fitch Solutions, tác động trễ pha của hiện tượng El Nino giúp sản lượng canh tác lúa gạo của Việt Nam trong năm nay tăng 1% so với năm 2022.

Xuất hiện
Dự báo sản lượng gạo của Việt Nam qua các năm. Hiện tượng El Nino tác động chậm được kỳ vọng sẽ giúp sản lượng lúa gạo năm nay của Việt Nam tăng khoảng 1% so với năm 2022. (Nguồn: Fitch Solutions, TPS)

Bên cạnh việc được mùa, gạo Việt Nam còn đang được giá. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm, và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và 32,2% về kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là mức tăng trưởng xuất khẩu gạo mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi tỷ giá đang duy trì ổn định.

Cổ phiếu nào được hưởng lợi?

Theo đánh giá Tiên Phong Securities (TPS), về triển vọng kinh doanh, lịch sử cho thấy diễn biến giá gạo có tác động tổng thể lên chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành gạo đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

Tuy vậy trong ngắn hạn, diễn biến hoạt động kinh doanh hàng quý của các doanh nghiệp này như Gạo Trung An (cổ phiếu TAR), Tập đoàn Lộc Trời (cổ phiếu LTG), Tập đoàn PAN (cổ phiếu PAN), Giống Cây trồng Việt Nam (cổ phiếu NSC)… chịu sự biến động lớn theo (1) chu kì mùa vụ; (2) trữ lượng hàng tồn kho; và (3) các yếu tố khác như trích lập dự phòng.

Với việc giá lương thực dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh khi nguồn cung ngày càng thắt chặt trong thời gian tới, các doanh nghiệp sở hữu lượng tồn kho thành phẩm lớn sẽ là những đơn vị hưởng lợi lớn nhất nhờ chênh lệch giữa giá vốn và sản lượng bán gia tăng.

Trong đó, đối với Gạo Trung An, tỷ trọng xuất khẩu hiện chiếm 15% tổng doanh thu của doanh nghiệp này với thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc. Các sản phẩm gạo xuất khẩu chủ lực của Gạo Trung An là các loại gạo sạch và hữu cơ có phẩm cấp cao. Vừa qua, công ty này đã liên tiếp trúng thầu nhiều lô gạo xuất sang Hàn Quốc với đơn giá lên tới 674 USD/tấn – cao vượt trội so với đơn giá xuất khẩu trung bình của gạo Việt Nam.

Trong năm nay, công ty dự kiến sẽ mở rộng phân phối tại các thị trường EU, Singapore, Malaysia… Đây đều là những thị trường có biên lợi nhuận cao và Gạo Trung An có thể tận dụng triệt để lợi thế về việc sở hữu vùng nguyên liệu chuẩn hữu cơ có quy mô lớn, được kiểm soát chất lượng đạt tiêu chuẩn EU.

Đối với Tập đoàn Lộc Trời, thị trường xuất khẩu gạo chính hiện nay của tập đoàn này là Trung Quốc. Do đó, việc thiếu hụt nguồn cung gạo từ Ấn Độ và nguồn cung gạo nội địa giảm do hạn hạn có thể sẽ khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Đồng thời, việc Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho các mặt hàng gạo của tập đoàn này thâm nhập thị trường EU. Trong năm 2022, gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Tập đoàn Lộc Trời đã được giới thiệu lần đầu tiên tại hai chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Pháp - Carrefour và Leclerc.

Tính đến cuối năm ngoái, tập đoàn này đã nhận được đơn đặt hàng bổ sung từ các đối tác EU với tổng sản lượng 400.000 tấn. Tập đoàn Lộc Trời có thể đã hoàn thành các đơn hàng này trong quý 2/2023. Đây là những tín hiệu tích cực cho thương hiệu gạo chất lượng cao của Tập đoàn Lộc Trời tại thị trường EU.

Trong khi đó, đối với Giống Cây trồng Việt Nam, doanh nghiệp này chuyên về sản xuất giống cây trồng với nhiều giống lúa khác nhau. Giá gạo xuất khẩu tăng cao có thể kích thích nông dân mở rộng diện tích canh tác cũng như gia tăng tiêu thụ các giống lúa, giúp nâng cao kết quả kinh doanh của Giống Cây trồng Việt Nam.

Về sản xuất lúa gạo, công ty cũng sở hữu chuỗi giá trị từ giống cho tới canh tác và chế biến gạo, nhưng quy mô doanh thu của mảng kinh doanh này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với mảng giống cây trồng.

VND: Quy mô tài sản tăng gần 3,300 tỷ đồng

Quý II/2023, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã ck: VND) có quy mô tài sản đạt 42,041 tỷ đồng, tăng gần 3,300 tỷ đồng, tương ứng ...

Bộ Chính trị yêu cầu có giải pháp cho trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán

Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về ...

Một cá nhân bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 575 triệu đồng vì thao túng chứng khoán

Ngày 21/7/2023, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 617/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán