Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử

(Banker.vn) Ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, công tác phổ biến giáo dục pháp luật thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm Bộ Công Thương: Tạo liên kết vùng thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử

Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hàng năm, sau khi Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng và ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, căn cứ theo Kế hoạch chung của Bộ và các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến riêng của Cục.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, năm 2022, Cục đã ban hành Quyết định số 01a/QĐ-TMĐT ngày 20/01/2022 của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn về pháp luật thương mại điện tử

Theo đó, trong năm qua, Cục đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, phối hợp với các sở công thương địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về pháp luật thương mại điện tử cho cán bộ quản lý nhà nước tại địa phương, doanh nghiệp và sinh viên. Kết quả, năm 2022, Cục đã tổ chức 63 lớp đào tạo cho khoảng 10.000 học viên.

Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 7.893 doanh nghiệp, tổ chức và 2.609 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 10.146 website thươn mại điện tử và 660 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký.

Cục cũng phối hợp với nhiều đơn vị đào tạo trong cả nước như Đại học Thuỷ Lợi, Đại học Hoa Sen, Đại học Thương mại… triển khai các lớp đào tạo kỹ năng thương mại điện tử với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là giảng viên, sinh viên các trường; Phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức 09 Hội nghị tập huấn về thương mại điện tử với gần 2.000 đại biểu.

Đặc biệt, thông qua việc phát động chương trình “Bệ phóng thương mại điện tử Tây Nguyên” với mục tiêu đào tạo về thương mại điện tử chuyên sâu cho hơn 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài ra, Cục tiếp tục phát triển giải pháp đào tạo trực tuyến (MOOC), cung cấp công cụ đào tạo từ xa, hỗ trợ phát triển nền tảng thương mại điện tử và kinh tế số cho các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, người lao động và các đối tượng khác có nhu cầu.

Chủ trì và phối hợp tổ chức các Hội nghị hội thảo về phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hội thảo về giải pháp phát triển Thương mại điện tử và Kinh tế số bền vững cho Việt Nam; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới.

Hàng năm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng xây dựng và phát hành ấn phẩm Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, cập nhật các các văn bản pháp luật mới có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; Phối hợp với Trường đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương trung ương đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cho các cán bộ là học viên lớp kiểm soát viên, kiểm soát viên chính quản lý thị trường, đào tạo cho gần 500 cán bộ quản lý thị trường.

Trong năm 2022, Cục tiếp nhận và xử lý 265 lượt phản ánh trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như: không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tích cực triển khai các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều doanh nghiệp và đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương TP. Hà Nội trong công tác thực hiện kiểm tra một số đơn vị có website thương mại điện tử.

Nhằm tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử giai đoạn 2018 - 2022, năm 2019, Bộ Công Thương khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử”. Mục tiêu của Hệ thống nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các đơn vị trong công tác xử lý các trường hợp vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm trong thương mại điện tử như phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra tại các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Đắk Nông, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hải Phòng, Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế…

Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới

Trong năm 2023, để nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định mới của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử
Trong năm 2022, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm

Theo đó, về thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, Cục tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội rói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Trong năm 2022, Cục đã yêu cầu các công ty và tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; Chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Cục cũng tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp hành pháp luật về thương mại điện tử theo Kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và các chuyên đề đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ.

Đặc biệt, Cục sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử; Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương