Xử lý nghẽn lệnh cho HOSE là tình huống khẩn cấp quốc gia

(Banker.vn) Sau hơn nửa năm nghẽn lệnh triền miên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, chiến dịch 100 ngày xử lý nghẽn lệnh của sàn HoSE sẽ hoàn thành đúng mục tiêu đề ra. Đồng thời nhấn mạnh: "Cải tiến kỹ thuật HOSE nhằm nâng được năng lực xử lý lệnh, tăng thanh khoản thị trường lên cao là tình huống khẩn cấp quốc gia".

Đó là thông tin được ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết tại tọa đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HoSE, thực trạng và giải pháp" sáng 24/6.

Không có trục lợi khi giao dịch nghẽn

Phát biểu tại toạ đàm, ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, thực trạng của HOSE liên quan đến tham số cơ bản là số lượng lệnh, từ khoá là “số lượng lệnh”. Số lượng lệnh hệ thống có thể xử lý trong một ngày giao dịch tối đa 900.000 lệnh/ngày trong thời gian qua.

Lý giải về nguyên nhân tình trạng nghẽn lệnh thời gian qua, theo ông Trà, số lượng nhà đầu tư tăng trưởng, dòng tiền đổ vào nhiều đã nói lên một thực tế rằng số lượng lệnh tham gia giao dịch thị trường vượt quá 900.000 lệnh, vì vậy, xảy ra tình trạng nghẽn lệnh. "Điều này giống như con đường của chúng ta thiết kế sử dụng 900 nghìn xe tham gia giao thông nhưng lượng xe vượt quá nên tắc nghẽn như thời gian qua", Tổng giám đốc HOSE giải thích.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của hoạt động giao dịch này so với giao thông là mỗi lệnh giao dịch không giống xe mà khác nhau ở tham số lệnh giao dịch. Anh đặt mua 100 cổ phiếu là 1 lệnh, 10.000 cổ phiếu cũng là 1 lệnh giao dịch, mỗi lệnh huỷ/sửa cũng là một lệnh giao dịch và được tính vào con số 900.000 lệnh. Cùng một số lượng lệnh được khớp nhưng giá trị giao dịch hoàn toàn khác. Điều này lý giải tại sao các phiên giao dịch xảy ra nghẽn lệnh tại nhiều ngưỡng khác nhau về giá trị giao dịch.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Dương Dũng Triều, Tổng giám đốc FPT IS cho biết, đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE mới vào khoảng 3.600-3.800 tỷ đồng/phiên. Đến cuối 2020, số này đã tăng vọt lên mức 10.000-12.000 tỷ/phiên, tương đương tăng gấp 3-4 lần.

Việc dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán khi dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho hệ thống giao dịch của HoSE cũng xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh trở lại. Thậm chí, tình trạng quá tải còn trậm trọng hơn khi thanh khoản bình quân trên HoSE đã tăng vọt lên mức 15.000-17.000 tỷ đồng/phiên.

Để hạn chế tình trạng này, HoSE đã phải áp dụng nhiều giải pháp khắc phục tạm thời, như nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 CP, chuyển giao dịch tự nguyện sang HNX, dừng niêm yết CP mới trên HoSE. Đồng thời hợp tác cùng FPT xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng; đặc biệt là cải tiến kỹ thuật để tăng khối lượng lệnh xử lý mỗi phiên. Nếu hệ thống giao dịch của HoSE sau khi chỉnh sửa thành công sẽ đạt trên 3-5 triệu lệnh, thay vì hiện tại là 900.000 lệnh.

Theo ông Lê Hải Trà, nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 CP thì giảm được 15-18% số lượng lệnh. Tuy nhiên, do số NĐT mới tăng mạnh nên nỗ lực này cũng không còn hiệu quả nhiều. Về huỷ/sửa lệnh, theo thống kê số lượng lệnh này chiếm đến 30% tổng số lượng lệnh, nên việc hạn chế huỷ/sửa lệnh giúp thị trường có thêm 200.000 lệnh được khớp.

Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng quá tải. Thậm chí, những sự cố gần đây diễn ra trên HoSE còn mang tính nghiêm trọng hơn, khi lượng tiền đổ vào thị trường ngày càng lớn. Ước tính, thanh khoản bình quân ghi nhận trên HoSE tháng 5 đã tăng lên mức 22.425 tỷ/phiên, cao hơn 21% so với tháng trước và gấp 4 lần cùng kỳ.

HOSE cũng đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước nếu nâng lô lên 1.000 thì giảm lượng lệnh 50% nữa hay hạn chế sửa huỷ lệnh. Sửa huỷ lệnh chiếm tỷ lệ một phần ba lệnh trong một ngày giao dịch, tức là 900.000 lệnh giao dịch thì 300.000 lệnh chỉ để sửa hoặc huỷ lệnh đặt trước đó. Số lượng lệnh thực tế được khớp chỉ 600.000 lệnh. Có những cái kiểm soát liên quan đến sửa huỷ lệnh thì số lượng lệnh được khớp tăng lên.

Đặc biệt, sau sự kiện ngày 1/6 các công ty chứng khoán kiểm soát sửa huỷ lệnh thì lượng lệnh thực tế được khớp có thêm 200.000 lệnh, giá trị những phiên này tăng thêm đạt 30.000 tỷ đồng vì có thêm lệnh được khớp.

Liên quan đến câu hỏi của nhiều nhà đầu tư có hay không việc trục lợi khi các công ty chứng khoán hạn chế huỷ, sửa lệnh, dưới góc nhìn chuyên gia công nghệ, ông Dương Dũng Triều cho rằng, khi ứng dụng được đưa vào vận hành như HOSE được kiểm tra cẩn thận, liên quan đến bảo mật, hệ thống được thiết kế để phần cứng này hỏng sang phần khác chạy... không có trục lợi khi giao dịch nghẽn.

Nỗ lực xử lý

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, cải tiến kỹ thuật HOSE nhằm nâng được năng lực xử lý lệnh, tăng thanh khoản thị trường lên cao là tình huống khẩn cấp quốc gia. Đây cũng là lý do Bộ Tài chính thành lập Ban chỉ đạo xử lý quyết liệt, với quyết tâm đầu tiên là không được để thị trường ngừng giao dịch dù chỉ 1 ngày.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước

Trả lời câu hỏi chiến dịch 100 ngày triển khai sửa hệ thống giao dịch sàn HoSE của Tập đoàn FPT đã sắp kết thúc, ông Dũng cho hay, chiều nay, Ban Chỉ đạo về xử lý nghẽn lệnh sẽ họp và kết luận. "Từ báo cáo FPT, chúng tôi cam kết sẽ đưa vào vận hành hệ thống mới của FPT sớm nhất có thể nhưng phải không còn trục trặc. Chắc chắn cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ chính thức vận hành" - ông Dũng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành chứng khoán cho hay, từ 21/12/2020, khi nghẽn lệnh bắt đầu xảy ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rất sát sao Ủy ban Chứng khoán và HoSE làm sao xử lý nhanh, hiệu quả nhất. Bộ Tài chính coi đây là trường hợp khẩn cấp quốc gia, cần phải tập trung mọi nỗ lực để xử lý dứt điểm. Bộ Tài chính khi đó đã chỉ đạo tất cả các cơ quan liên quan vào cuộc và tạo điều kiện hết sức để các bên cùng thực hiện dự án này. Một Ban Chỉ đạo xử lý sự cố đã được thành lập do lãnh đạo Bộ Tài chính làm trưởng ban.

"Chúng tôi cũng được chỉ đạo từ Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ là không để thị trường chứng khoán ngừng nghỉ ngày nào, phải tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư chứng khoán được giao dịch. Tất cả những giải pháp thì HoSE đã nói nhiều, đã triển khai, có giải pháp khẩn cấp, cái giải pháp phải lâu dài" - ông Dũng nói.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, khó khăn lớn nhất trong quá trình xử lý nghẽn lệnh là làm sao tìm được giải pháp tốt nhất trong bối cảnh rất nhiều sức ép, từ nhu cầu thị trường, sức ép từ lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là sức ép làm sao chọn ra giải pháp tốt nhất trong 1 rừng giải pháp. "Các công ty chứng khoán, các nhà khoa học đã tiếp thu nhiều chỉ đạo, kể cả tiếp thu định hướng chỉ đạo của bộ, ngành thì chúng tôi chỉ chọn một" - ông Dũng cho biết.

Đỗ Nga

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương