Xử lý dứt điểm các văn bản sai sót, trái luật

(Banker.vn) Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Xét Báo cáo số 78/BC-BTP ngày 10/5/2021 của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý và xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL; tổng hợp kết quả xử lý các văn bản trái pháp luật báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. 

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố: Phú Yên, Cần Thơ khẩn trương xử lý dứt điểm 8 văn bản có quy định trái pháp luật; báo cáo kết quả xử lý, lý do chậm xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản, kết quả khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm, gửi kết quả đến Bộ Tư pháp trước ngày 30/6/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo cáo số 78/BC-BTP của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ, việc xử lý văn bản trái pháp luật đã được thực hiện ngày càng nghiêm túc, hiệu quả hơn. Phần lớn văn bản trái pháp luật sau khi được tự phát hiện hoặc do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện, kết luận đều được cơ quan ban hành có phương án xử lý kịp thời.

Đối với 38 văn bản có quy định trái pháp luật tồn đọng trước năm 2020 cơ bản đã được xử lý, hiện còn một số văn bản đang cần tiếp tục được xử lý. Việc tập trung xử lý văn bản trái pháp luật đã hạn chế, ngăn ngừa được tác động tiêu cực đến xã hội do văn bản trái pháp luật gây ra, đồng thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan cấp bộ, chính quyền địa phương trong xây dựng, thực thi pháp luật.    

Với sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và vai trò đầu mối, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực, chủ động triển khai có chất lượng, hiệu quả cao nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành (với gần 8.800 văn bản được rà soát), trong đó trọng tâm là quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đây là đợt rà soát có tính toàn diện, hệ thống, chuyên sâu nhất từ trước đến nay đối với văn bản QPPL của các cơ quan Trung ương. Qua đó, đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản QPPL do các cơ quan trung ương ban hành góp phần giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo chuyên đề đối với các văn bản QPPL trong lĩnh vực giá do các cơ quan cấp bộ và chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành, qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều văn bản có quy định trái pháp luật, không phù hợp, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của nhà nước trong lĩnh vực này.

Hữu Hiệu

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ