Xu hướng và giải pháp chuyển đổi số ngành thương mại

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra xu hướng chuyển đổi số, mang lại khả năng bứt phá cho nền kinh tế. Nhiều công nghệ đột phá dựa trên nền tảng số hóa, tích hợp với các công nghệ thông minh tự động hóa kinh doanh. Nổi bật là kinh tế số với những chuyển biến lớn, trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) được xem là mũi nhọn của nền kinh tế số.  

 

Ngày 26/5, hội thảo trực tuyến “Xu hướng và giải pháp chuyển đổi số ngành Thương mại” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức nhằm nắm bắt những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số trong thương mại điện tử, góp phần tăng cường mức độ đổi mới sáng tạo và sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng

Hội thảo chuyên đề tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: phân tích xu hướng chuyển đổi số hỗ trợ thương mại tại Việt Nam; thực trạng phát triển một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số trong thương mại liên quan đến hạ tầng số - viễn thông, fintech, và logistics; các yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức thực thi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, giảng viên Khoa Thương mại Điện tử, Trường Đại học Thương mại - cho rằng, xu hướng tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng kinh tế số và phát triển bền vững là tốt nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại được đánh giá là giải pháp quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng bất lợi từ dịch COVID-19. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào những sản phẩm có giá trị và kinh doanh bền vững, có mục tiêu dài hạn, thay đổi về tầm nhìn và giá trị cung cấp cho khách hàng.

Một trong những yếu tố then chốt để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhất là đối với lĩnh vực thương mại, đó là hạ tầng về công nghệ, thông tin. Đây chính là điều kiện cần để các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh phát triển các nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hóa…

Trên thực tế, các doanh nghiệp dù đã nhận thức được nhưng dừng như vẫn chưa đầy đủ vai trò chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng 4.0. Chưa kể trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế trong khi cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh, cùng với cạnh tranh gia tăng do quá trình hội nhập kinh tế.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy kinh doanh trực tuyến hiệu quả, việc triển khai truy xuất nguồn gốc hiện đại là rất cần thiết giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa và củng cố niềm tin cậy của khách hàng. Hiện nay, các công nghệ IoT, AI, blockchain… đã từng bước được áp dụng trong truy xuất nguồn gốc nhằm giảm bớt hành vi gian lận ngành TMĐT, góp phần tạo động lực cho người dân quan tâm nhiều hơn đến các hình thức thanh toán không tiền mặt.

Mặt khác, khai thác sàn giao dịch TMĐT Việt Nam đang phát triển hiệu quả, phối hợp với nhiều công cụ marketing số, nền tảng kinh doanh số, đồng thời tận dụng mạng xã hội nhằm chia sẻ các video ngắn và triển khai các hệ thống TMĐT đa kênh (multi channel) và hợp kênh (omni channel).

Các chuyên gia thảo luận trong buổi tọa đàm về chính sách và lộ trình chuyển đổi số ngành thương mại điện tử

 

Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinasa - cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như: sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và fintech, logistics…. Cách tiếp cận hoàn thiện khung pháp lý và chính sách khá linh hoạt, gắn liền với các cam kết trong các FTA thế hệ mới trong một số lĩnh vực, có cân nhắc góc độ ngành, không gian cho doanh nghiệp trong nước, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Việt Nam cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, cùng với đó là một loạt các nhiệm vụ liên quan đến Luật Giao dịch điện tử và kinh tế số, Luật Chính phủ số, Luật Công nghiệp công nghệ số…

Tuy nhiên, theo bà Thu Giang vẫn cần tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực có thể đột phá; hạ tầng thông tin; tạo thuận lợi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp; xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh. Đặc biệt chú trọng đến việc nỗ lực hoàn thiện chính sách, hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thương mại số. Vấn đề càng cấp thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả một số hiệp định FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA...

Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương - bày tỏ đồng tình với các ý kiến đóng góp tại hội thảo. Theo ông Quang, Việt Nam cần một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung theo thứ tự sau: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hoàn thiện chính sách cạnh tranh; Cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại; Chính sách sở hữu trí tuệ; Phát triển hạ tầng số; Phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; và Phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi số trong thương mại.

Theo: