Xu hướng toàn cầu có thay đổi cục diện bầu cử Mỹ?

(Banker.vn) Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11 đang là tâm điểm chú ý của thế giới.
Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris 'chấm' 3 'bức tường xanh', nói gì khi ông Trump bị ám sát hụt lần hai? Bầu cử Mỹ 2024: Hậu bị ám sát hụt lần 2, ông Trump tuyên bố 'không đầu hàng' Bầu cử Mỹ 2024: Hé lộ thêm nhiều thông tin về nghi phạm ám sát ông Trump

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của phái đẹp

Theo Politico, các nữ lãnh đạo thống trị mùa Hè này. Bà Claudia Sheinbaum đã đánh bại ứng cử viên nữ vào tháng 6 và trở thành Tổng thống Mexico với chiến thắng áp đảo mang tính lịch sử.

Cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền Nhật Bản sắp tới sẽ mở ra con đường cho nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này là Ngoại trưởng Kamikawa Yoko, mặc dù khả năng này còn rất mới mẻ. Ở châu Âu, vấn đề khoảng cách giới tính đã cho thấy khía cạnh mới.

Tháng 7, bà Ursula von der Leyen tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan quyền lực nhất EU. Chính trị gia trung hữu người Đức này là nhà quản lý khủng hoảng mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên.

Xu hướng toàn cầu có thay đổi cục diện bầu cử Mỹ?
Nếu đắc cử, ông Trump có thể cắt giảm thuế nhiều hơn cho doanh nghiệp và người giàu. Ảnh: AP

Sở dĩ điều này đáng ngạc nhiên là vì bà chỉ có thành tích bình thường khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, nhưng trong vai trò điều hành lớn hơn, bà lại được đánh giá cao khi lãnh đạo EU vượt qua đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và cuộc chiến ở Ukraine.

Ekip lãnh đạo của bà ở Brussels sẽ bao gồm cả bà Kaja Kallas, người phụ trách chính sách đối ngoại mới của EU. Là nữ Thủ tướng đầu tiên của Estonia, bà Kallas đã tạo dựng được tên tuổi trên trường quốc tế như là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất thể hiện lập trường cứng rắn với Nga sau khi Tổng thống Putin đưa quân vào Ukraine năm 2022.

Ở các nước châu Âu khác, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen là những nhân vật nổi bật. Hai vị nữ thủ tướng này đến từ các phe chính trị đối lập, nhưng đều đã xây dựng được vị thế vững chắc trong nước và có ảnh hưởng lớn hơn trên chính trường - bà Meloni cánh hữu ủng hộ Ukraine và xoa dịu phe cánh hữu cứng rắn hơn, còn bà Frederiksen cánh tả thách thức phe chính trị của bà với cách tiếp cận cứng rắn đối với vấn đề di cư.

Đâu là lời giải thích cho tất cả những điều này? Có thể chỉ là sự tình cờ, ngoài thực tế đơn giản là đã có thêm nhiều phụ nữ giữ các chức vụ cao. Nhưng có một số điểm chung đáng chú ý. Không ai trong nhóm 4 nước lớn ở châu Âu quan tâm nhiều đến vấn đề giới tính của các nhà lãnh đạo này. Xu hướng này đương nhiên có lợi cho bà Kamala Harris.

“Bóng ma” Trung Đông lơ lửng trên chính trường Mỹ

Thế hệ nữ hiệu trưởng mới của các trường đại học danh giá của Mỹ đang gặp khó khăn hơn so với nhóm các nữ lãnh đạo chính trị. Hiệu trưởng trường Đại học Columbia Minouche Shafik vừa từ chức. Đây là nữ hiệu trưởng thứ ba thuộc nhóm các trường Ivy League (8 trường đại học tư nhân danh giá nhất ở Đông Bắc nước Mỹ) từ chức sau cuộc chiến ở Dải Gaza.

Mặc dù lý do bà từ chức vẫn chưa rõ ràng nhưng điểm đáng chú ý nhất, với nhiều bằng chứng chứng minh, là tình hình Trung Đông khiến nhiều cuộc biểu tình sinh viên nổ ra ở các trường đại học và từ đó ảnh hưởng lớn đến nền chính trị Mỹ.

Xu hướng toàn cầu có thay đổi cục diện bầu cử Mỹ?
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: AP

Hồi đầu năm, các thành viên đảng Dân chủ cấp cao đã mong đợi hoặc kỳ vọng rằng vấn đề Dải Gaza sẽ không trở thành tâm điểm khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra. Nhưng tình hình không suôn sẻ như vậy. Các sự kiện ở Trung Đông, hầu hết nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, trong những tuần gần đây đã khiến tình hình căng thẳng trở lại. Hezbollah và Iran đang cân nhắc khả năng tấn công trả đũa Israel. Trong khi Israel tiếp tục đưa cỗ máy chiến tranh quét qua Dải Gaza.

Việc Tổng thống Biden rời khỏi cuộc đua để nhường chỗ cho bà Harris đã không ngăn cản được những người biểu tình xuống đường ở Chicago. Những rạn nứt về văn hóa cộng hưởng mạnh mẽ với câu chuyện của đảng Cộng hòa về “chủ nghĩa thức tỉnh”, còn chủ nghĩa bài Do Thái lan tràn mất kiểm soát ở cánh tả.

Xu hướng này có lợi cho ông Trump, trừ khi xảy ra những tình huống ít có khả năng, chẳng hạn như Iran tấn công gây nguy hiểm cho Israel và dẫn tới một cuộc xung đột khu vực buộc Mỹ phải can thiệp, hoặc xuất hiện đột phá trong ngoại giao và chính trị mở đường cho một giải pháp khu vực, khiến nước Mỹ đoàn kết lại và ủng hộ ban lãnh đạo hiện nay ở Washington.

Mỹ và chương mới cho cuộc chiến Ukraine

Việc Ukraine thành công đưa quân vào lãnh thổ Nga là một bước đi tuyệt vời trên bình diện quan hệ công chúng, nhưng điều này có mang lại những hệ quả chiến lược hay không thì chưa rõ. Ukraine đã đưa ra sự hồi đáp tốt nhất cho bầu không khí u ám xuất hiện từ sau khi nước này phản công thất bại vào năm 2023. Hiện Ukraine đang cố gắng giữ vững trận địa, đánh lạc hướng và ngăn chặn các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga ở mặt trận phía Đông Ukraine.

Xu hướng toàn cầu có thay đổi cục diện bầu cử Mỹ?
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris. Ảnh: AP

Dù muốn hay không, vị thế của Mỹ trên thế giới sẽ được xác định bởi việc chiến thắng trong cuộc xung đột này. Việc Tổng thống Biden gửi vũ khí nhỏ giọt và hạn chế việc sử dụng chúng đã làm tổn hại đến khả năng của Ukraine trong việc đạt được những tiến bộ đáng kể trên chiến trường để xoay chuyển tình thế.

Liệu Kursk sẽ chỉ là một điểm nhấn nhỏ trong cuộc chiến, hay sẽ là khoảnh khắc mà Ukraine và các bên hậu thuẫn, đặc biệt là Mỹ, nhận ra và tận dụng cơ hội để kết thúc cuộc chiến theo cách họ có thể chấp nhận được?

Xu hướng này chưa rõ sẽ có lợi cho bà Harris hay ông Trump. Cả hai ứng cử viên, đặc biệt là ông Trump, đều phát đi những tín hiệu không nhất quán và có khả năng theo đuổi các đường hướng khác nhau trong vấn đề Ukraine.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương