Xu hướng đào tạo liên ngành kinh tế, kinh doanh và công nghệ trong năm 2024

(Banker.vn) Đón đầu xu hướng phát triển, tại kỳ tuyển sinh 2024 nhiều trường đại học kinh tế top đầu mở ngành học mới liên quan đến công nghệ thông tin, khoa học máy tính.
Tuyển sinh đại học 2024: Nở rộ nhiều ngành học mới, phương thức xét tuyển mới Những trường đại học top trên nào "từ chối" xét tuyển bằng học bạ? Chi tiết các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2024

Khoa học công nghệ trở thành xu hướng đào tạo mới

Chỉ vài tháng nữa mùa tuyển sinh đại học năm 2024 sẽ diễn ra, đến thời điểm hiện tại, ngoài ôn tập kiến thức các thí sinh đã bắt đầu nghiên cứu các khối ngành, quy chế tuyển sinh của các trường đại học để có những lựa chọn phù hợp.

Theo dữ liệu tuyển sinh mới nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các ngành có tỉ lệ tuyển sinh cao bao gồm: Kinh doanh và quản lý (chiếm tỉ lệ: 24,54%); Máy tính và công nghệ thông tin (chiếm tỉ lệ: 11,79%); Công nghệ kỹ thuật (chiếm tỉ lệ: 9,18%); Nhân văn (chiếm tỉ lệ: 8,68%); Sức khoẻ (chiếm tỉ lệ 6,35%).

Năm 2024, với xu thế không chỉ đào tạo các ngành chuyên biệt, hướng tới đào tạo đa ngành cũng mở ra không ít các lựa chọn cho thí sinh, giờ đây, ngay cả các khối trường kinh tế cũng đã bắt tay ngay vào đào tạo những ngành liên quan đến khoa học công nghệ. Các trường lý giải động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong kỷ nguyên số.

Xu hướng đào tạo liên ngành kinh tế, kinh doanh và công nghệ trong năm 2024
Theo nhiều trường cho biết, việc đào tạo liên ngành nhằm mục tiêu chính hướng tới thị trường nguồn nhân lực với những yêu cầu mới của kỷ nguyên số.

Cụ thể, năm nay, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) mở mới 2 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin: Công nghệ nghệ thuật (ArtTech), Điều khiển thông minh và tự động hóa. Ngành Công nghệ nghệ thuật sẽ là sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ.

Các phương tiện truyền thống như hội họa, điêu khắc, âm nhạc truyền thống được kết hợp với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác để tạo ra những sản phẩm độc đáo và tinh tế.

Trước đó, UEH liên tiếp mở các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật như: Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Robot và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghệ logistics.

Đến nay, UEH có 56 chương trình đào tạo đại học thuộc 11 lĩnh vực, trải dài từ kinh doanh, kinh tế, quản lý, nhân văn đến công nghệ, thiết kế ứng dụng. Thông tin UEH mở 2 chương trình mới thuộc lĩnh vực công nghệ được nhiều thí sinh, phụ huynh chú ý bởi từ trước đến nay, trường này vốn có thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý.

Tương tự, Trường Đại học Ngoại thương cũng vừa công bố dự kiến mở ngành Khoa học máy tính - chương trình đào tạo Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh, tuyển sinh bắt đầu từ năm nay. Trong phương án tuyển sinh dự kiến, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học dữ liệu.

Còn Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, vốn có thế mạnh lĩnh vực kinh doanh, xã hội cũng “lấn sân” sang lĩnh vực công nghệ với việc dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm.

Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) - một trong những trường đứng đầu trong lĩnh vực kinh tế - cũng dự kiến mở ngành Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động.

Hiện, NEU đào tạo 35 ngành trình độ đại học với 10 lĩnh vực: Kinh doanh và quản lý; Khoa học xã hội và hành vi; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; Môi trường và bảo vệ môi trường; Máy tính và công nghệ thông tin; Nhân văn; Báo chí và thông tin; Pháp luật; Quản lý công nghiệp; Nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu phát triển thành công 5 ngành đào tạo trong lĩnh vực toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, nhà trường sẽ có thêm một lĩnh vực đào tạo nữa là toán và thống kê.

Đây không phải năm đầu tiên hiện tượng các trường chuyên sâu khối ngành kinh tế mở đào tạo ngành công nghệ, ngành học mới. Từ năm 2020, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã mở ngành mới là Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh.

Năm 2021, Học viện Ngân hàng mở mới và tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin. Năm 2023, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh mở loạt ngành mới, trong đó có một số ngành Công nghệ như Eobot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics.

Ngược lại, nhiều trường đại học ở khối kỹ thuật cũng tuyển sinh các ngành khối kinh tế như: Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo Quản trị Kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán; trường Đại học Thủy lợi đào tạo Luật, Ngôn ngữ.

Đáp ứng nguồn nhân lực với yêu cầu của kỷ nguyên số

Xu hướng các trường kinh tế mở thêm ngành về kỹ thuật được cho để thực hiện chiến lược phát triển ngành đào tạo theo chủ trương đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo đã đặt ra trong Chiến lược phát triển của từng nhà trường.

Lý giải cho việc mở 2 chương trình công nghệ trong mùa tuyển sinh năm 2024, đại diện Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu chính hướng tới thị trường nguồn nhân lực với những yêu cầu mới của kỷ nguyên số.

Cùng quan điểm, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, việc mở rộng các nhóm ngành hiện nay nhằm đáp ứng, cập nhật xu thế mới phát triển chung hiện nay.

“Năm nay nhà trường dự kiến xây dựng các ngành mới thuộc các lĩnh vực trên và các ngành sang các lĩnh vực mới, như lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin như ngành khoa học máy tính, chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình kinh doanh quốc tế và phân tích dữ liệu kinh doanh”, bà Vũ Thị Hiền bày tỏ.

Thực tế cho thấy, xu hướng của các trường hàng đầu thế giới hiện có sự liên ngành giữa kinh tế, kinh doanh và công nghệ rất mạnh mẽ. Tại Việt Nam, các trường đang phát triển mạnh các ngành khoa học công nghệ trong kinh tế, kinh doanh.

Phát triển thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường kinh tế mở rộng ra nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật. Khi lấy ý kiến về nhu cầu nguồn nhân lực các ngành đào tạo mới của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường cho biết, NEU có tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực.

Với tầm nhìn, sứ mệnh này, trường xác định chiến lược đào tạo là phát triển mạnh các ngành thuộc lĩnh vực máy tính, công nghệ thông tin và tập trung vào định hướng chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2024, các cơ sở giáo dục đại sẽ có thêm các chương trình đào tạo liên quan tới thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn. Triển khai đào tạo các ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, các ngành liên quan phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…

“Đối với quy chế tuyển sinh năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định như năm trước, đảm bảo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thí sinh. Điều này sẽ là căn cứ quan trọng và thuận lợi cho thí sinh và nhà trường”, bà Thuỷ cho biết.

Cùng với đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các trường đại học công bố đề án tuyển sinh sớm giúp thí sinh có thêm thời gian nghiên cứu và chuẩn bị tốt nhất, cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương