Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động tài chính, ngân hàng: Cơ hội, thách thức và khuyến nghị với Việt Nam

(Banker.vn) Với các nền tảng công nghệ này, quá trình chuyển đổi số diễn ra với tốc độ chóng mặt và có tác động sâu rộng đến toàn bộ các nền kinh tế - xã hội, các ngành và lĩnh vực; tuy nhiên, những tác động của chuyển đổi số đối với lĩnh vực ngân hàng là rõ rệt hơn cả. Bài viết tìm hiểu một số xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động tài chính - ngân hàng trên thế giới, đồng thời chia sẻ tình hình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Việt Nam cùng một số bài học kinh nghiệm.

Tóm tắt: Ba cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trong lịch sử kinh tế thế giới trước đây nhưng không có cuộc cách mạng nào có quy mô ảnh hưởng lớn và mức độ phức tạp như cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của các nền tảng công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Với các nền tảng công nghệ này, quá trình chuyển đổi số diễn ra với tốc độ chóng mặt và có tác động sâu rộng đến toàn bộ các nền kinh tế - xã hội, các ngành và lĩnh vực; tuy nhiên, những tác động của chuyển đổi số đối với lĩnh vực ngân hàng là rõ rệt hơn cả. Bài viết tìm hiểu một số xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động tài chính - ngân hàng trên thế giới, đồng thời chia sẻ tình hình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Việt Nam cùng một số bài học kinh nghiệm.

Digital transformation in banking and finance sector: Opportunities, challenges and recommendations for Vietnam

Abstract: Three industrial revolutions had taken place in the history of global economy, but none has had such a large scale influence and complexity as the Industrial Revolution 4.0 with the emergence of new technology platforms such as Internet of Things (IoT), big data (Big Data), artificial intelligence (AI) and blockchain technology (Blockchain). With these technology platforms, the digital transformation process takes place at tremendous speed and has far-reaching impacts on all aspects of socio-economy, sectors and fields. However, the effects of digital transformation on banks are more obvious. The article explores several digital transformation trends in banking and finance in the world, and notes current situation of digital transformation in Vietnamese banking sector together with some lessons withdrawn.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã thúc đẩy những thay đổi quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng truyền thống. Nếu như hai thập kỷ trước, đổi mới công nghệ chủ yếu tập trung vào những công đoạn bên trong của các ngân hàng, thì giờ đây đổi mới công nghệ đã thâm nhập vào các sản phẩm, dịch vụ cung ứng tới người tiêu dùng cuối cùng. Thông qua vô số đổi mới về công nghệ đã giúp ngành Ngân hàng tiếp cận người dùng rộng lớn hơn và tiếp cận những đối tượng khách hàng trước đây không thể sử dụng dịch vụ qua hệ thống ngân hàng truyền thống. Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại những lợi ích to lớn đối với ngành Ngân hàng như mở rộng mục tiêu phổ cập tài chính, ngăn chặn nền kinh tế ngầm, góp phần tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng và tốc độ luân chuyển tiền cao hơn) và giảm thiểu hoạt động bất hợp pháp như tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng bố và trốn thuế. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức mà các cơ quan quản lý tiền tệ hay ngân hàng trung ương phải đối mặt trong tương lai, trong đó bao gồm cả sự tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như chức năng của chính mình. Do đó, điều quan trọng đối với các cơ quan quản lý là phát triển khả năng giám sát sớm và phản ứng nhanh về mặt quản lý đối với các hoạt động chuyển đổi số và xu hướng đổi mới sáng tạo trong ngành Ngân hàng.

1. Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động tài chính, ngân hàng trên thế giới

Tương lai của tiền - Tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC)

Kể từ khi công nghệ chuỗi khối xuất hiện, các công ty khởi nghiệp không phải ngân hàng đã tìm cách tạo ra các dịch vụ tài chính thay thế cho các dịch vụ tài chính truyền thống - vốn là lĩnh vực độc quyền của các ngân hàng. Sự xuất hiện của các giao dịch ngang hàng (P2P) và tiền mã hóa được nhiều người hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về các dịch vụ tài chính thay thế thuận tiện cho công chúng. Tuy nhiên, đến nay, tiền mã hóa vẫn chỉ phát triển ở quy mô nhỏ với khả năng kết nối hạn chế, do đó, những lo ngại về rủi ro hệ thống là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát của các cơ quan quản lý có liên quan, tiền mã hóa có thể xâm nhập vào hệ thống tài chính chính thức và đe dọa sự ổn định tài chính nói chung. Quan trọng nhất, tiền mã hóa có thể làm xói mòn vai trò của ngân hàng trung ương với tư cách là cơ quan phát hành tiền và giám sát niềm tin của công chúng.

Năm nay là một năm đầy thách thức và biến động mạnh đối với thế giới tiền mã hóa và tài sản kỹ thuật số. Năm 2021 chứng kiến ​​hàng tỷ đô la tiền mã hóa bị thổi bay, sang năm 2022 tiếp tục là năm tồi tệ nhất được ghi nhận với hơn 1 nghìn tỷ đô la giá trị thị trường của tiền điện tử bị xóa sổ. Chính vì vậy, CBDC đang trở thành vấn đề thôi thúc các NHTW và cơ quan quản lý tiền tệ các nước đẩy mạnh nghiên cứu. CBDC được định nghĩa là một định dạng kỹ thuật số của tiền ngân hàng trung ương, thường được thể hiện trong phiên bản mã hóa được hỗ trợ bởi công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Chúng hoàn toàn trái ngược với một số tài sản tiền kỹ thuật số không được kiểm soát. Trong khi CBDC bán lẻ có thể giải quyết các vấn đề xung quanh vấn đề phổ cập tài chính cho người dân thì CBDC bán buôn có thể cắt giảm đáng kể chi phí và tăng tính minh bạch trong các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

Hiện có 105 quốc gia và khu vực pháp lý đang trong các giai đoạn khác nhau trong việc tiếp cận với CBDC. Một số đang trong giai đoạn đầu để khám phá giá trị và cân nhắc việc áp dụng CBDC, nhưng tiến độ đang được đẩy nhanh khi có 50 quốc gia đang trong giai đoạn nâng cao (thử nghiệm hoặc khởi chạy). Khảo sát năm 2021 của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy 86% đang trong giai đoạn tiến hành nghiên cứu, 60% đã chuyển sang thử nghiệm và 14% hiện đang tiến hành thử nghiệm.

Thông qua các cuộc thảo luận với các ngân hàng trung ương cho thấy, 4 động lực chính để triển khai CBDC, bao gồm: bảo vệ sự ổn định tài chính; phổ cập tài chính; phòng chống tội phạm; cải thiện trải nghiệm thanh toán trong nước và xuyên biên giới.

Mặc dù có những lợi ích rõ ràng trong việc triển khai CBDC nhưng điều đó có nghĩa là các chính phủ có toàn quyền kiểm soát bất kỳ giao dịch nào vào và ra khỏi tài khoản của một cá nhân; điều này không chỉ dẫn đến mất quyền riêng tư cá nhân mà còn có thể tiềm ẩn vi phạm dữ liệu, gây mất ổn định các tổ chức tài chính và mất an ninh. Chính vì vậy, việc phát triển chính sách, khuôn khổ pháp lý mới cho CBDC, trong đó đặc biệt là chính sách về quyền riêng tư đã được nhiều NHTW coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Các chính sách về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân cần được quan tâm để giải quyết những lo ngại về việc truy cập dữ liệu và bảo vệ công chúng, từ đó tạo niềm tin cho người sử dụng.

CBDC có thể là bước nhảy vọt tiếp theo trong sự phát triển của tiền tệ cùng với quá trình số hóa rộng rãi trên các nền kinh tế hiện nay. Mặc dù có những lợi thế rõ ràng để thực hiện CBDC, nhưng không có trường hợp chung nào cho việc áp dụng CBDC. Do đó, cơ sở lý luận và các trường hợp sử dụng sẽ khác nhau giữa các quốc gia. Các nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu và bất kỳ trường hợp áp dụng nào cũng cần được đánh giá cẩn thận vì nó có thể có tác động sâu sắc đến hệ thống ngân hàng.

Kết nối các hệ thống thanh toán xuyên biên giới (cross border payment systems)

Số hóa hoạt động ngân hàng thời gian qua có thể nhìn thấy rõ ràng nhất từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nước. Trong suốt hơn 10 năm qua, thanh toán bằng tiền mặt đã dần được thay thế thông qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như tiền điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và các phương thức thanh toán điện tử hiện đại khác. Sự gia tăng của người dùng chuyển từ thanh toán tiền mặt sang không dùng tiền mặt cho thấy niềm tin và sự tin tưởng ngày càng tăng của công chúng đối với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Sự thành công của thanh toán không dùng tiền mặt trong nước là bước đầu tạo đà cho xu hướng kết nối các hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong thời gian tới.

Theo đánh giá chung của các tổ chức quốc tế, tình trạng thanh toán xuyên biên giới hiện nay không còn phù hợp với thành tựu của công nghệ thế kỷ 21 do tốc độ xử lý chậm, chi phí cao, không hiệu quả và dựa vào một mạng lưới ngân hàng đại lý truyền thống. Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí trung bình toàn cầu để gửi kiều hối là 6,4% giá trị chuyển khoản; đặc biệt gây khó khăn cho người lao động nhập cư muốn gửi tiền về nước hoặc doanh nghiệp nhỏ muốn tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử. Giải quyết vấn đề thanh toán xuyên biên giới sẽ mang lại lợi ích cả về hiệu quả kinh tế và tài chính cho người dân và các quốc gia.

Vào tháng 10/2021, Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) và Ủy ban cơ sở hạ tầng thị trường tài chính (CPMI) – Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) đã đặt ra Lộ trình G20 về Thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới, trong đó bao gồm các mục tiêu để giải quyết 4 thách thức mà thanh toán xuyên biên giới phải đối mặt (chi phí, tốc độ, khả năng tiếp cận, tính minh bạch).

Theo các chuyên gia, có 3 cách khả thi để giải quyết thách thức thanh toán xuyên biên giới, đó là: Thứ nhất, liên kết các hệ thống thanh toán nhanh; Thứ hai, xây dựng một nền tảng chung đa CBDC; Thứ ba, mở rộng mạng lưới thanh toán dựa trên Blockchain của khu vực tư nhân.

Hơn 60 khu vực pháp lý đã phát triển hệ thống thanh toán nhanh. Nhìn chung, các hệ thống này cho phép chuyển trực tiếp 24/7 trong thời gian thực từ tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử sang tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử khác, trong hầu hết các trường hợp, người dùng không phải trả phí. Liên kết các hệ thống thanh toán nhanh hơn của các quốc gia là một cách hiệu quả để mang lại lợi ích của việc thanh toán giá rẻ, nhanh chóng, liền mạch từ nội địa đến xuyên biên giới.

CBDC tiếp tục được đưa ra như một trong các sáng kiến ​​được sử dụng trong các hệ thống thanh toán xuyên biên giới. Các nỗ lực hợp tác cũng đang được tiến hành hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương khi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), Ngân hàng Trung ương Malaysia, Cơ quan Tiền tệ Singapore và Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đang thực hiện Dự án Dunbar - một nền tảng cho các khoản thanh toán quốc tế sử dụng nhiều CBDC.

Dự án Jura ở Trung tâm Thụy Sĩ đang thử nghiệm việc chuyển trực tiếp CBDC bán buôn Euro và Franc Thụy Sĩ giữa các ngân hàng thương mại của Pháp và Thụy Sĩ trên một nền tảng sổ cái phân tán (DLT) duy nhất do một bên thứ ba vận hành. Dự án đã kiểm tra cách các giao dịch tài sản mã hóa và ngoại hối được giải quyết bằng cách sử dụng cơ chế thanh toán PvP và DvP. Dự án mBridge ở Trung tâm Hồng Kông đang thử nghiệm khả năng thanh toán xuyên biên giới đa tiền tệ được xây dựng trên công nghệ sổ cái phân tán, qua đó nhiều ngân hàng trung ương có thể phát hành CBDC của riêng họ và phân phối chúng cho những tổ chức tham gia. Những tổ chức tham gia này lần lượt có thể tiến hành thanh toán ngang hàng và đổi CBDC để lấy tiền dự trữ tại ngân hàng trung ương phát hành.

Trong khuôn khổ báo cáo về thử nghiệm của SWIFT cho thấy, các mạng Blockchain CBDC khác nhau trên toàn thế giới không chỉ được liên kết với với nhau mà còn liên kết được với các hệ thống thanh toán hiện tại. CBDC và tài sản mã hóa có thể di chuyển thông suốt trên cơ sở hạ tầng tài chính, được xem như một cột mốc quan trọng hướng tới việc cho phép CBDC được tham gia vào hệ sinh thái tài chính quốc tế. Điều đó có nghĩa, khi CBDC được triển khai, chúng có thể ngay lập tức mở rộng được quy mô và được sử dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay các dự án CBDC hầu hết chỉ mới áp dụng cho các ngân hàng nội địa và chưa cho phép liên kết giữa các CBDC xuyên biên giới với nhau. Nếu mỗi quốc gia không thay đổi chính sách thì lợi ích xuyên biên giới của các CBDC có vẻ khó đạt được.

Sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong giai đoạn trước mắt cũng được CPMI và FSB xem là rất cần thiết để cải thiện thanh toán xuyên biên giới. Bên ngoài cơ sở hạ tầng thị trường truyền thống, những tổ chức tư nhân như công ty Fintech đã phát triển và hướng tới các giải pháp thanh toán tức thời xuyên biên giới thông qua sử dụng công nghệ sổ cái phân tán. Một trong những thách thức lớn là thiết lập cơ chế sổ cái phân tán an toàn và được quản lý chặt chẽ hơn, nhưng nhiều ý kiến lạc quan cho rằng điều này có thể được giải quyết và có tiềm năng lớn để triển khai trong tương lai. Tại Hội nghị Sibos 2022, ông Ravi Menon - Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore cho rằng, việc sử dụng sổ cái phân tán để thanh toán xuyên biên giới không chỉ giới hạn ở các CBDC mà tiền ổn định (Stablecoin) do khu vực tư nhân phát hành cũng có thể được sử dụng để cho phép thanh toán và thanh toán xuyên biên giới với chi phí rẻ hơn và nhanh hơn, các mạng lưới thanh toán dựa trên Blockchain và Stablecoin do khu vực tư nhân có thể khắc phục các khoản thanh toán xuyên biên giới “chậm, không rõ ràng và không hiệu quả”.

Metaverse – công nghệ tương lai

Năm 2022 là năm mà chủ đề về công nghệ Metaverse được trao đổi và thảo luận ở khắp mọi nơi. Các diễn đàn đã trao đổi sâu về thế giới ảo này để xác định nó là gì, tại sao nó quan trọng và tương lai sẽ ra sao đối với ngành công nghiệp tài chính?

Thuật ngữ Metaverse được cấu tạo từ 2 từ: Meta - một tiền tố có nghĩa là “toàn diện hơn”, “siêu” hoặc “vượt qua”, Verse - trong Universe có nghĩa là vũ trụ. Do đó, Metaverse có hàm ý là “vượt qua vũ trụ hiện hữu” hay hiểu ngắn gọn là "vũ trụ ảo".

Hiện chưa có định nghĩa thống nhất về Metaverse nhưng có một số định nghĩa được nhiều người ủng hộ; theo Facebook định nghĩa: “Metaverse là một tập hợp các không gian ảo, nơi bạn có thể tạo và khám phá với những người khác không ở trong cùng một không gian thực với bạn. Bạn có thể đi chơi với bạn bè, làm việc, vui chơi, học hỏi, mua sắm, sáng tạo và hơn thế nữa”; và Matthew Ball tác giả của Metaverse Primer định nghĩa: “Metaverse là một mạng lưới rộng lớn gồm các thế giới 3D được kết xuất theo thời gian thực, liên tục và các mô phỏng hỗ trợ tính liên tục của danh tính, đối tượng, lịch sử, thanh toán và các quyền có thể được trải nghiệm đồng bộ bởi số lượng người dùng không giới hạn hiệu quả, mỗi người có một cá nhân cảm giác hiện diện”.

Mặc dù không ai sở hữu chính Metaverse (giống như không ai sở hữu internet ngày nay) nhưng chắc chắn các công ty lớn, những “Big tech” như: Meta, Microsoft, Unity, Epic Games, Roblox, Samsung… sẽ là các tổ chức định hình nên và nắm giữ các phần quan trọng trong thế giới này. Metaverse giống như một hành tinh, hơn thế nữa là một vũ trụ không có giới hạn và không có chủ sở hữu. Mọi người sẽ tham gia chiếm hữu và xây dựng từng phần trong đó, các phần thế giới này sẽ sớm kết nối với nhau thông qua các giao thức chuẩn được định ra. Đây được coi là một mảnh đất màu mỡ, giàu tài nguyên chưa được khai phá; theo báo cáo của Bloomberg, ước tính giá trị thị trường Metaverse sẽ đạt giá trị khoảng 800 tỷ USD vào năm 2024.

Một số ngân hàng truyền thống đã bắt đầu mua đất kỹ thuật số để xây dựng sân vận động, phòng chờ và chi nhánh. JP Morgan đã mua lại một không gian thương mại trong trung tâm thương mại ảo Metajuku trên Decentraland. HSBC đã có một lô đất trên The Sandbox từ tháng 3/2022. Standard Chartered thông báo vào tháng 5/2022 rằng họ đã mua một lô đất trên Decentraland. Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) tại Thái Lan có một phòng chờ ảo trên The Sandbox. Bank of America đã và đang sử dụng Metaverse, đào tạo nhân viên về kiến ​​thức cơ bản của thực tế ảo (VR). Huấn luyện cướp ngân hàng trong Metaverse hoàn toàn khác với huấn luyện trên màn hình phẳng thông thường, mang lại sự chân thực gần như tuyệt đối.

Một số ngân hàng tin tưởng vào tiềm năng của Metaverse khi JP Morgan đã đưa ra một báo cáo cơ hội tham gia Metaverse lên tới hàng trăm tỷ đô la. Tuy nhiên, hiện nay các khoản đầu tư của ngân hàng nhằm mục đích chính là “chiếm lĩnh vực này” và ngăn chặn sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh. Các ngân hàng hy vọng rằng việc mua các vị trí chiến lược tiềm năng sẽ mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Ngoài ra, sự hiện diện của họ trong Metaverse hiện nay chủ yếu là để học tập và thử nghiệm những cách mới để mang lại giá trị cho khách hàng. Tất cả các cơ hội mà JP Morgan dự đoán sẽ chỉ thành hiện thực khi các ngân hàng mở chi nhánh để thanh toán cho các tài sản được mua bán và sở hữu trên thế giới ảo này.

Metaverse giờ đây vẫn chỉ là một ý tưởng cho tương lai và chưa phải thời điểm bùng nổ do nhiều rào cản về pháp lý. Tuy nhiên, Metaverse hoàn toàn có thể trở thành ngành công nghiệp hàng nghìn tỷ đô trong tương lai; một không gian để kinh doanh, giải trí, thương mại và là nơi làm việc cũng như kiếm tiền lý tưởng.

2. Thực trạng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và bài học đối với Việt Nam

Dưới tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có nhiều cơ hội để phát triển hiệu quả nền kinh tế số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Theo đó, nhiều ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số, một số ngân hàng đã đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ số và lựa chọn các giải pháp Core Banking mới nhằm hỗ trợ tốt cho định hướng phát triển ngân hàng số.

Các ngân hàng tập trung vào việc số hóa các sản phẩm dịch vụ truyền thống như thanh toán hay tín dụng. Số liệu từ NHNN cho thấy, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi​.

Dưới góc độ quản lý nhà nước và định hướng phát triển ngành Ngân hàng theo hướng chuyển đổi số, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch này khuyến khích sự phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững dựa trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Như vậy, ở góc độ thực tiễn thị trường hay quản lý nhà nước, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Việt Nam đang diễn ra phù hợp với xu thế hiện nay; tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, tốc độ chuyển đổi còn chưa bắt kịp với nhịp độ nói chung trên thế giới. Do vậy, để quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam thành công trong thời gian tới, vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan cần được thể hiện mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa thông qua các hành động chính sách như: tạo dựng cơ sở hạ tầng tài chính tin cậy; thành lập và chia sẻ dữ liệu thông tin quốc gia, hạ tầng thanh toán; đặt biệt là tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi số.

Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã có cách thức tiếp cận chủ động trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số và coi việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tài chính – ngân hàng là yếu tố then chốt nhằm tạo lợi thế so sánh của nền kinh tế trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách phổ biến nhất được các quốc gia trên thế giới áp dụng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) thông qua việc cho phép thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ Fintech trong phạm vi không gian và thời gian được xác định cụ thể. Khuôn khổ Sandbox sẽ giúp các cơ quan quản lý định hình được bản chất, quy trình cũng như các rủi ro tiềm ẩn của các loại hình dịch vụ Fintech, từ đó có thể ban hành được khuôn khổ pháp lý/quản lý chính thức (nếu cần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành) phù hợp với thực tế thị trường nhất. Cơ chế Sandbox cũng sẽ tạo điều kiện hiểu rõ về công nghệ đang triển khai, đưa ra tín hiệu tích cực cho thị trường và giúp định hướng, có cách tiếp cận phù hợp.

Chuyển đổi số của ngân hàng và sự phát triển các dịch vụ Fintech đem đến nhiều cơ hội lớn, tuy nhiên đi kèm với đó là các vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống. Ngày nay, xu thế tội phạm công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Theo thống kê của công ty phần mềm Symantec, Việt Nam đứng thứ 11 trên thế giới về các hoạt động đe dọa tấn công mạng. Sự phát triển của tội phạm công nghệ cao là cản trở và thách thức rất lớn đối với quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi các nỗ lực bảo mật mạng tinh vi để tránh những tổn thất lớn do các cuộc tấn công mạng gây ra. Ngoài ra, sử dụng công nghệ rộng rãi hơn và liên quan nhiều hơn đến các bên thứ ba, chẳng hạn như thông qua gia công phần mềm và điện toán đám mây, sẽ khiến các ngân hàng phụ thuộc nhiều hơn vào sự sẵn có của các dịch vụ công nghệ thông tin và dễ bị rủi ro mạng hơn. Do đó, điều quan trọng là phải phát triển một hệ thống giám sát và an ninh mạng đáng tin cậy; khả năng phát hiện các cuộc tấn công nhanh và biện pháp ứng phó phù hợp với rủi ro là những điều cần thiết trong tương lai.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng có thể làm xói mòn việc bảo vệ người tiêu dùng. Các cuộc tấn công mạng lớn hơn và quyền truy cập nhiều hơn của các tổ chức vào dữ liệu bí mật của người tiêu dùng có thể gây ra những tổn thất lớn cho họ. Ngoài ra, việc thiếu các quy định chặt chẽ về bảo vệ dữ liệu người dùng, đặc biệt trên không gian mạng, ví dụ như các quy định về lộ lọt thông tin, đánh cắp dữ liệu cá nhân… Vừa qua, đã xuất hiện các vụ việc sử dụng dữ liệu trái phép để đăng ký thẻ tín dụng hoặc các khoản vay gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, các quy tắc và quy định rõ ràng để bảo vệ người tiêu dùng và dữ liệu người tiêu dùng là những yêu cầu bắt buộc trong quá trình số hóa ngành Ngân hàng trong giai đoạn tới.

Sự phức tạp và không chắc chắn của các vấn đề mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt đã và sẽ tiếp tục gia tăng cùng với sự tiến bộ của công nghệ số. Do đó, định hướng đổi mới hoạt động của hệ thống ngân hàng, của các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương, trong đó có NHNN là một nhiệm vụ rất thách thức, đòi hỏi cơ quan này phải có khả năng tạo ra những bước đột phá và đổi mới chính sách vượt ra ngoài sự hiểu biết thông thường. Tối ưu hóa lợi ích của những tiến bộ công nghệ và trở thành cơ quan quản lý hiện đại, phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ góp phần giữ vững ổn định tài chính, quyền riêng tư dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1+2 năm 2023

ThS. Ngô Văn Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ