Xôn xao bài hát “Bên trên tầng lầu” vào đề thi môn Ngữ văn

(Banker.vn) Bài hát nổi tiếng của Tăng Duy Tân "Bên trên tầng lầu" xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Chi tiết đáp án đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về nghi vấn lộ đề thi môn Ngữ văn? Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" vào đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Mới đây, dư luận xôn xao về nội dung câu hỏi trong đề thi ngữ văn dành cho học sinh giỏi của tỉnh Hậu Giang vừa qua.

Theo đó, nội dung đề thi có trích dẫn hai câu hát trong ca khúc Bên trên tầng lầu: "Em ơi đừng khóc bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi/ Em ơi đừng lo em ơi đừng cho tương lai vụt tắt". Sau đó, yêu cầu học sinh nêu bài học cuộc sống được khơi gợi từ hai câu hát này.

Thời gian qua, việc mượn các ca khúc nhạc trẻ vào đề thi các môn học không còn quá xa lạ. Đây là cách đổi mới để tạo cho thí sinh thêm hứng khởi trong việc trả lời sáng tạo, phong phú. Tuy nhiên, với trường hợp bản hit của Tăng Duy Tân lại không nhận được phản hồi tích cực.

Xôn xao bài hát “Bên trên tầng lầu” vào đề thi môn Ngữ văn
Bên trên tầng lầu vào đề thi môn Ngữ Văn tại Hậu Giang

Bên trên tầng lầu do Tăng Duy Tân sáng tác và trình diễn là ca khúc luôn đứng nhất bảng xếp hạng, leo top xu hướng và trở thành giai điệu có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Khán giả đánh giá đây là ca khúc có giai điệu bắt tai, vui nhộn nhưng lời ca không mang lại nhiều nội dung sâu sắc, điển hình để có thể phân tích.

Vì thế, việc sử dụng lời trích ca khúc vào đề thi để tìm bài học cuộc sống là sự lựa chọn có phần gượng ép. Cư dân mạng đang dậy sóng tranh luận về cách ra đề này. Hiện sự việc vẫn đang nhận nhiều chỉ trích lẫn bàn tán xôn xao.

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm cần tìm hiểu rõ đề thi hướng tới việc phân tích tác phẩm văn học nghệ thuật, hay bình luận về hiện tượng thời sự, xã hội. Nếu mục tiêu là phân tích tác phẩm, cần rất thận trọng khi lựa chọn. Bởi một tác phẩm có giá trị phải được thẩm định kỹ lưỡng trước khi giới thiệu với học sinh.

"Việc sử dụng những tác phẩm không có giá trị văn học trong bài học, bài thi môn văn sẽ không mang lại ý nghĩa giáo dục. Tuy nhiên nếu mục tiêu của bài thi là nêu quan điểm về các hiện tượng, vấn đề thời sự trong đời sống văn hóa, nghệ thuật, việc học sinh được bình luận, bày tỏ ý kiến trước các vấn đề đương đại cũng là một cách tích cực giúp các em làm sắc sảo thêm kỹ năng tư duy phản biện", chuyên gia cho biết.

Trước đó, một số dự án âm nhạc của nhiều ca sĩ tại Việt Nam cũng được đưa vào đề thi như Lạc Trôi của Sơn Tùng M-TP hay Đom đóm của Jack... đã tạo nên nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa trên các diễn đàn.

Theo các chuyên gia, nếu không sử dụng các tác phẩm văn học thì bài thi môn văn sẽ không mang ý nghĩa giáo dục. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bài thi là muốn thí sinh đưa ra quan điểm về các hiện tượng, vấn đề thời sự trong đời sống văn hóa, nghệ thuật thì các đề thi "bắt trend" từ các bài hát hot trên thị trường hoàn toàn có thể giúp thí sinh hứng thú và đưa ra nhiều góc nhìn đa chiều hơn.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục