Xóa rào cản để ngành game Việt Nam hướng tới doanh thu tỷ đô

(Banker.vn) Dư địa phát triển của ngành game còn rất lớn và Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu ngành này tăng lên 1 tỷ USD trong 5 năm tới.
Game Việt Nam: Tiềm năng ngành kinh tế xuất khẩu lớn Có nên thu thuế tiêu thụ đặc biệt với game online?

Hướng tới doanh thu tỷ đô từ game

Tại Diễn đàn game Việt Nam với chủ đề “Mở đường bứt phá cho ngành game Việt” do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, báo VnExpress phối hợp cùng Liên minh Game Việt Nam tổ chức ngày 1/4, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng lên con số 1 tỷ USD so với hiện nay là 600 triệu USD. Và không chỉ có 30 doanh nghiệp đang hoạt động mà cần tăng lên con số trong thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp. Bộ cũng đặt ra con số kêu gọi 400 startup sản xuất game tham gia cộng đồng.

Theo các nhà phát triển game tại Việt Nam thì mục tiêu này hoàn còn có cơ sở bởi doanh thu của ngành game trên toàn cầu đang được đánh giá vô cùng tiềm năng.

Xóa rào cản để ngành game Việt Nam hướng tới doanh thu tỷ đô
Tiềm năng doanh thu từ game còn rất lớn

Dẫn báo cáo của Newzoo, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, Công ty Cổ phần VNG cho biết: Ngành game toàn cầu đạt 184 tỷ USD, riêng ngành game mobile ước tính đạt 92,2 tỷ USD, chiếm hơn 50% thị phần. Dự đoán thị trường game thế giới sẽ đạt 211,2 tỷ USD vào năm 2023.

Tại Việt Nam, các thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hiện có 28,4 triệu người chơi game với 200 công ty sản xuất và phát hành và Việt Nam đang xếp thứ 5 tại Đông Nam Á doanh thu với 200 triệu USD mỗi năm. Nhờ Flappy Bird, Việt Nam đã trở thành tân binh ngành công nghiệp game và sau đó một lần nữa toả sáng với Axie Infinity. Đáng chú ý, không chỉ game mobile, eSport Việt Nam cũng có nhiều dư địa phát triển khi trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Xóa rào cản thách thức để phát triển

Dù có nhiều cơ hội phát triển nhưng ngành game Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu sự liên kết, nhân sự chất lượng cao cũng như định kiến xã hội về game…

Trong đó, về định kiến với game, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC cho hay, từ trước đến nay nhiều người có quan điểm game chỉ là một trò chơi. Tuy nhiên game là hình thức để thoả mãn nhu cầu của con người và có hơn 80% người chơi game để giải trí nhưng cũng có những người tìm đến game để thử thách, giải đáp những nhu cầu trên không gian mạng.

Xóa rào cản để ngành game Việt Nam hướng tới doanh thu tỷ đô
Các diễn giả trao đổi thảo luận tại Diễn đàn game Việt Nam

Ông Bảo dẫn chứng, số liệu trong năm 2022, thế giới có 3,2 tỷ người chơi game. Nếu gom tất cả những game thủ lại thành một quốc gia thì công dân của quốc gia này chiếm 1/3 dân số toàn cầu. Tổng doanh thu ngành game đạt 198 tỷ, theo Newzoo. Còn tại Việt Nam có 28,4 triệu người chơi game, chiếm 30% dân số. Thế hệ Gen X, Gen Y được tiếp xúc với game từ sớm.

Tuy nhiên theo ông Bảo, để khai thác được tối đa nguồn lực kinh tế từ ngành game, đòi hỏi đặc biệt về vấn đề nhân lực. Cụ thể, theo thống kê, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin nhưng tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam chỉ 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.

Cùng với đó, theo đại diện cơ quan quản lý, khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp game chưa có sự liên kết để đồng hành cùng nhau và trong khoảng 10 năm qua chủ yếu phát triển đơn lẻ. “Không đi cùng nhau khiến doanh nghiệp không tận dụng được lợi thế của nhau, dẫn đến thực trạng người Việt Nam lại chơi game nước ngoài trong khi doanh nghiệp game Việt lại có nhiều người nước ngoài chơi. Tiếp đến là vấn đề về thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành. Và cuối cùng là chính sách chưa theo kịp sự phát triển của game web 3.0, game blockchain, đó chính là lý do khiến doanh nghiệp phải mở rộng ra nước ngoài trước, khiến chảy máu chất xám trong ngành game Việt”- ông Lê Quang Tự Do chỉ ra những thách thức của ngành game Việt.

Trước những khó khăn nêu trên, theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược ngành game để khắc phục về việc chưa đoàn kết, chưa hỗ trợ để cùng nhau đi xa. Đơn cử, Bộ đã thành lập Liên minh Game Việt Nam và có sản phẩm đầu tiên, giấc mơ bao năm nay chính là ngày hội game được tổ chức lần này.

Đối với nguồn nhân lực, theo ông Lê Quang Tự Do, Học viện Bưu chính Viễn thông - Trường đại học chuyên ngành công nghệ thông tin đã đề xuất lên Bộ Giáo dục để mở bộ môn mới chuyên đào tạo cho ngành game. Ngoài ra, Bộ đã kết nối với Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Bách Khoa và nhiều trường khác để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.

Liên quan đến game lậu, thời gian gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện các biện pháp gỡ bỏ các game lậu. Ước tính, 2 năm vừa qua các cơ quan chức năng đã gỡ 200 game trên Google App và 90 game trên Apple Store. Ngoài ra phía Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã kết nối với các bên trung gian thanh toán để chặn việc thanh toán game lậu. Gần đây nhất, vào ngày 24/3 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị với các bên trung gian thanh toán và ngân hàng. Theo đó, vào mỗi cuối tháng Bộ sẽ gửi danh sách cho ngân hàng để ngăn chặn thanh toán cho các game lậu.

Lần đầu tiên có “Ngày hội Game Việt Nam”

Trong 2 ngày (1 và 2/4/2023) tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh diễn ra Ngày hội Game Việt Nam 2023 - Vietnam GameVerse 2023: Beyond the imagination.

Đây là lần đầu tiên “Ngày hội Game Việt Nam” được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho những người yêu game có cơ hội gặp gỡ và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm; tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất và phát hành giới thiệu game ra thị trường; mở ra cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp game trong và ngoài nước với các nhà đầu tư. Chương trình diễn với hoạt động mới mẻ, đa dạng, chuyên nghiệp và gần gũi với cộng đồng game Việt Nam.

Ngày hội hứa hẹn thu hút 15.000 lượt người tham dự với sự góp mặt của đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực, các nhà sản xuất, phát hành và cộng đồng người chơi game, cũng như tiếp cận hàng triệu độc giả theo dõi trên các nền tảng trực tuyến.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương