Xi măng La Hiên: Chia cổ tức cao nhất ngành xi măng, cổ đông đề nghị tiếp tục tinh giản bộ máy

(Banker.vn) CTCP xi măng La Hiên (CLH sàn Hnx) công bố chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2020 với tỷ lệ 10%, theo đó ngày đăng ký cuối cùng là 18/12, ngày thanh toán cổ tức là 28/12.

Bất chấp dịch COVID diễn ra trên thế giới, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 của CLH tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo tài chính quý III/2020, quý này CLH đạt doanh thu 166,8 tỷ đồng, xấp xỉ doanh thu quý III/2019. Tuy nhiên nhờ giá vốn hàng bán, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều giảm mạnh nên lợi nhuận sau thuế quý III/2020 đạt 8,9 tỷ đồng tăng gần 90% so với con số 4,7 tỷ đồng của quý III/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 CLH đạt doanh thu 497,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so với 9 tháng đầu năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 26,2 tỷ đồng, tăng 35,9% so với lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về nguyên nhân biến động lợi nhuận, CLH cho biết mặc dù sản lượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 9 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 35,9% so với cùng kỳ là do giảm được chi phí tài chính và được chính sách hỗ trợ của Chính phủ về giảm giá tiền điện trong quý II, bên cạnh đó công ty cơ cấu chủng loại sản phẩm tiêu thụ và vùng thị trường có lợi với công ty.

CLH đã duy trì liên tục tăng trưởng lợi nhuận và cổ tức trong nhiều năm liền. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 28 tỷ đồng, đến 2019 đã tăng lên thành 38,3 tỷ đồng và 9 tháng đầu 2020 đang tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Từ khi lên sàn niêm yết đến nay CLH luôn là công ty có tỷ lệ cổ tức cao nhất trong số các doanh nghiệp ngành xi măng đang niêm yết. Nếu như năm 2016 khi mới lên sàn CLH chia cổ tức 15% thì năm 2019 mức cổ tức đã nâng lên thành 40%. Trong khi lợi nhuận nằm trong xu thế tăng thì chi phí khấu hao và chi phí tài chính lại nằm có xu thế giảm. Nợ vay giảm khá nhanh trong các năm vừa qua, dẫn tới chi phí lãi vay cũng giảm mạnh. Đến ngày 31/12/2019, CLH đã trả gần xong các khoản vay dài hạn (khi đầu tư dây chuyền lò quay số 2), tổng số vay và nợ thuê tài chính dài hạn tại thời điểm ngày 31/12/2019 chỉ còn 5,5 tỷ đồng, một con số rất nhỏ so với tổng tài sản và doanh thu của công ty.

Một số chỉ tiêu tài chính của xi măng La Hiên

 

Năm 2016

2017

2018

2019

Nợ phải trả tại 31/12 (tỷ đồng)

322,8

246,3

183,8

134,5

Chi phí tài chính (tỷ đồng)

18,3

17,4

11,0

7,5

Lợi nhuận sau thuế (tỷ đồng)

28,2

28

31,2

38,3

Cổ tức

15%

15%

17%

40%

Đạt được những chỉ tiêu ngoạn mục đó là nhờ nhiều yếu tố. Theo các thông tin trong tài liệu ĐHCĐ các năm qua, CLH đã từng bước thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản lao động và từng bước ban hành các quy chế, định mức kinh tế kỹ thuật… Số lao động giảm từ 933 người xuống còn 585 người tại 31/12/2019. Công ty đã làm tốt công tác quản lý máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng nhiều tiến bộ KHCN vào sản xuất để giảm tiêu hao than, giảm tiêu hao nguyên vật liệu và giá thành trong khi vẫn nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề ứng dụng hiệu quả các sáng kiến cải tiến kỹ thật mà xi măng La Hiên đã làm tốt việc tái sử dụng phế liệu, bột liệu, xi măng kết tảng phát sinh trong quá trình sản xuất, tận dụng được nhiều vật liệu như tro đáy nhà máy điện, xỉ bông nhà máy gạch… để làm nguyên liệu sản xuất, nhờ vậy mà vừa góp phần giảm giá thành sản phẩm lại vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Tại ĐHCĐ họp tháng 6/2020, mặc dù CLH thông qua mức chia cổ tức tỷ lệ 40%, nhiều cổ đông của CLH vẫn cho rằng công ty có thể đạt được mức lợi nhuận tốt hơn. Hiện nay CLH đã trả gần hết nợ vay dài hạn và cũng đã gần hết khấu hao nên kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận năm 2020 công ty đưa ra là vô cùng khiêm tốn. Từ nhiều năm qua, các cổ đông CLH liên tục yêu cầu công ty phải đẩy mạnh việc tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất lao động, có chính sách thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng nhiều hơn các tiến bộ KHCN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất và minh bạch hơn trong mua sắm, đấu thầu.

Theo thông tin tại ĐHCĐ năm 2019, trong số 54 hợp đồng lớn được công ty công bố, chỉ có 8 hợp đồng được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi, còn đại đa số được thực hiện theo hình thức “chào giá cạnh tranh” và “chào giá rút gọn”, thậm chí nhiều hợp đồng lớn được thực hiện theo phương thức “theo giá nhà nước”.

Được biết, CTCP xi măng La Hiên có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, là công ty con của Tổng công ty công nghiệp Mỏ Việt Bắc - CTCP, công ty mẹ hiện nắm giữ 51% vốn điều lệ của CLH.

Hoàng Duy

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: