Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan khai gì?

(Banker.vn) Phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các tổ chức, cá nhân có liên quan bắt đầu vào sáng nay.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Truy tố bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB Lịch xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát

Sáng ngày 5/3/2024, phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức, cá nhân khác.

Từ sáng sớm, hàng chục xe đặc chủng đã giải các bị cáo từ trại tạm giam đến trụ sở của Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh (phường Bến Nghé, quận 1), an ninh khu vực này được siết chặt.

Do số lượng người tham gia rất đông, đến khoảng 8 giờ 30 phút, Hội đồng xét xử bắt đầu xét xử vụ án.

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên đầu xét xử
Bị cáo Trương Mỹ Lan trước toà.

Bắt đầu phiên toà, bị cáo Trương Mỹ Lan khai rõ những thông tin liên quan đến lý lịch.

Cụ thể, bị cáo khai học hết lớp 12, trước khi bị bắt đang là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hiện, bị cáo có chồng là ông Chu Lập Cơ và 2 người con, chưa có tiền án, tiền sự.

Bị cáo khai, mình bị bắt khoảng 20 giờ 30 ngày 6/10/2023 khi đang ở ngoài đường. Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan bị bắt vào ngày 8/10/2023.

Bị cáo cũng cho biết tinh thần ổn định, đủ sức khoẻ tham dự phiên toà.

Còn bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) do không thạo tiếng Việt nên bị cáo này phải có phiên dịch.

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Trương Mỹ Lan) khai có 1 chồng và 2 con. Bị cáo bị bắt tạm giam vào ngày 7/10/2023, còn hồ sơ thể hiện bị bắt tạm giam vào ngày 8/10/2023.

Trước thông tin chưa trùng khớp, Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát kiểm tra lại thông tin ngày bắt tạm giam đối với hai bị cáo Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân.

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên đầu xét xử
Toàn cảnh phiên xét xử.

Trước đó, Báo Công Thương đã thông tin, do phiên toà lần này triệu tập gần 3.000 người nên Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã lắp đặt màn hình theo dõi vụ án ở các phòng.

Trong vụ án này, có 10 kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh giữ quyền công tố. Thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa hình sự Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, làm chủ tọa phiên toà.

Vụ án này có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Trong đó, riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa.

Theo các cơ quan chức năng, số hồ sơ tài liệu của vụ án này đặc biệt lớn, ước tính nặng khoảng 6 tấn. Trong đó bao gồm gần 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng với khoảng một triệu bút lục.

Trước đó, ngày 15/12/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 người.

Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh: Tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các bị can còn lại có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước…

Những người này bị đề nghị truy tố về các tội tham ô tài sản; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, bị can Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, song lại là người lũng đoạn, chi phối loạt lãnh đạo ngân hàng này để họ giúp sức "rút ruột" hơn 304.000 tỷ đồng.

Tiến Phòng

Theo: Báo Công Thương