Xe ô tô nhập khẩu "đắt hàng" hơn xe sản xuất trong nước

(Banker.vn) Trong tháng 5, lượng tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 13.809 xe, tăng 12% so với tháng trước, trong khi xe lắp ráp trong nước đạt 11.983 xe.
showroom.jpg

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, trong tháng 5/2024, số xe bán được trên toàn thị trường của các đơn vị thành viên VAMA đạt 25.794 xe các loại, tăng 6% so với tháng 4 và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, doanh số các loại xe du lịch đạt 18.235 chiếc, tăng 6% so với tháng 4/2024; xe thương mại đạt 7.292 chiếc, tăng 7% và loại xe chuyên dụng đạt 276 chiếc, giảm 4%.

Xét theo nguồn gốc xe, lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước đạt 11.983 xe, chỉ tăng 0,02% so với tháng trước, trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 13.809 xe, tăng 12% so với tháng trước.

Xét về thị phần, Toyota tiếp tục dẫn đầu với lượng xe bán ra trong tháng 5 đạt 5.356 xe, tăng 19% so với tháng trước. Tiếp đến là Hyundai với 4.914 xe, tăng 14,9% so với tháng trước

Ford vẫn duy trì được vị trí thứ ba với 3.270 xe bán ra trong tháng 5. Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về Mitsubishi (3.151 xe), Kia (2.315 xe), Mazda (2.290 xe), Honda (1.179 xe)…

Cộng tổng doanh số của VAMA và TC Group trong tháng 5, toàn thị trường đã tiêu thụ 30.704 xe các loại, nâng lũy kế số xe bán ra trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 127.613 xe, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023.

doanh so ban xe.png

Như vậy, sau khi sụt giảm 13% trong tháng 4 (so với tháng 3), số xe bán ra trên thị trường trong tháng 5 đã tăng trở lại. Nguyên nhân một phần có thể đến từ chính sách kích cầu từ các hãng xe nhằm chạy đua doanh số.

Từ đầu tháng 5, nhiều thương hiệu đã giảm giá hoặc tặng lệ phí trước bạ từ 50-100% cho khách mua xe, chẳng hạn Hyundai đã giảm giá hàng chục tới hàng trăm triệu đồng đối với các mẫu xe Santa Fe, Custin, Accent bản cũ. Hay hãng Honda cũng giảm 50-100% trước bạ cho các mẫu xe CR-V G, CR-V L, City, HR-V, Civic và hỗ trợ trực tiếp tiền mặt 220 triệu đồng với mẫu Honda Accord. Tương tự, Mitsubishi cũng ưu đãi phí trước bạ và quà tặng cho 2 mẫu Mitsubishi Outlander hoặc Pajero Sport hơn 100 triệu đồng; Toyota giảm giá mẫu Vios tới 50 triệu đồng...

Các chính sách trên tiếp tục được duy trì trong tháng 6, tuy nhiên, hiện nhiều khách hàng vẫn chần chừ chưa chốt mua xe vì vẫn đang trong tâm lý "nghe ngóng" chờ chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) chính thức được áp dụng, để có thể tiết kiệm thêm một khoản chi phí đáng kể khi mua xe.

Theo quy định hiện hành, mức thu lệ phí trước bạ ô tô được xác định theo tỷ lệ phần trăm, dựa trên giá tính lệ phí trước bạ của từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Tỷ lệ này hiện đang dao động từ 10 - 12%. Nếu việc giảm phí trước bạ được áp dụng, người mua xe có thể giảm được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng khi hoàn tất thủ tục mua xe.

Cũng chính vì lý do này mà lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước tháng 5 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước và thấp hơn đáng kể so với lượng tiêu thị xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Mới đây, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, ngay trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước,…

Trước đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, Chính phủ đã có 3 lần áp dụng chính sách giảm phí trước bạ 50%, lần gần nhất có hiệu lực từ 1/7 đến hết năm 2023.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ thị trường ô tô và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đề xuất doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến 20/11 năm nay.

Bộ Tài chính dự báo trong năm 2024, thị trường ô tô và toàn nền kinh tế đối mặt với tác động tiêu cực do khủng hoảng kinh tế, xung đột địa chính trị. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ còn khó khăn, riêng sản xuất, lắp ráp ô tô gặp suy thoái kinh tế, khiến doanh số bán hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng.

Do đó, theo Bộ Tài chính, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là cần thiết. Đồng thời, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11 nên chính sách này không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm nay.

Nếu đề xuất này được thông qua thì đây sẽ là lần thứ 5 trong 4 năm nay thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn. Năm ngoái chính sách này cũng được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, với số thuế giãn nộp trên gần 8.100 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm nay, số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn gần 5.200 tỷ đồng.

Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành xe, nếu tới đây, chính sách tiếp tục hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, sức mua của thị trường ô tô có thể tăng trưởng, qua đó giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành khởi sắc hơn.

Hà Thu

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ