Xe máy sử dụng phanh kết hợp có an toàn hơn phanh ABS?

(Banker.vn) Ngày càng được sử dụng rộng rãi trên các dòng xe máy phổ thông, vậy phanh kết hợp có an toàn không? Hiệu quả an toàn so với phanh ABS ra sao?

Xe máy Honda ADV 350 2023: Siêu phẩm hoàn toàn mới, cực hầm hố

Những lưu ý khi mua xe máy Honda Wave Alpha 110 trả góp mới nhất tháng 8/2022

Bên cạnh những trang bị tiện ích và công nghệ, các hãng xe máy ngày càng chú ý hơn đến tính năng an toàn trên xe máy nói chung, bao gồm cả xe số và xe tay ga. Trong đó, hệ thống phanh là một trong những trang bị được các hãng “chạy đua” nhiều nhất với nhiều công nghệ hỗ trợ ra đời như hệ thống chống bó cứng phanh ABS hay phanh kết hợp.

Không giống như ABS, phanh kết hợp không được nhiều người biết đến dù xuất hiện nhiều trên các mẫu xe tay ga phổ thông. Có cấu tạo đơn giản hơn hệ thống chống bó cứng phanh ABS, vậy phanh kết hợp có an toàn không?

Xe máy sử dụng phanh kết hợp có an toàn hơn phanh ABS?

Phanh kết hợp là gì?

Phanh kết hợp (combined brake system) là tên gọi của loại phanh kết hợp giúp phân bổ lực phanh lên cả bánh trước và bánh sau. Khi người lái sử dụng phanh sau, một lực khác cũng tác động lên phanh trước giúp cả 2 phanh cùng hoạt động, giảm tình trạng bị trượt bánh sau khi phanh gấp.

Với công dụng này, phanh kết hợp được trang bị khá nhiều trên các mẫu xe tay ga, vốn dễ gặp tình trạng trượt bánh sau hơn xe số.

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của phanh kết hợp

Phanh kết hợp có kết cấu khá đơn giản, gồm hệ thống dây phanh và một bộ điều chỉnh áp lực phanh, có chức năng phân bổ lực phanh xuống 2 cụm phanh ở bánh trước và sau.

Với cấu tạo đơn giản như vậy, nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh kết hợp cũng dễ hiểu. Khi người lái bóp phanh sau, lực phanh sẽ được bộ điều chỉnh áp lực phanh phân phối đều xuống cả hai cụm phanh trước và sau. Nhờ vậy, hiệu quả phanh sẽ được tăng lên, giúp giảm quãng đường phanh và cải thiện độ an toàn.

Phanh kết hợp hay phanh ABS an toàn hơn?

Cả phanh kết hợp và phanh ABS đều có ưu, nhược điểm riêng.

Hệ thống phanh ABS có cấu tạo phức tạp hơn phanh kết hợp, gồm bộ điều khiển trung tâm (ECU), thiết bị cảm biến đo tốc độ, bơm và van điều chỉnh áp lực phanh. Nguyên lý hoạt động của phanh ABS là chống lại hiện tượng dính cứng phanh khi phanh gấp, thay vào đó, cụm phanh sẽ xảy ra hoạt động kẹp - nhả liên tục.

Với nguyên lý này, phanh ABS có nhược điểm là kéo dài quãng đường phanh. Tuy nhiên, nhược điểm này không quá ảnh hưởng đến sự an toàn của người ngồi trên xe. Điểm cộng của phanh ABS là giúp xe giữ thăng bằng, không bị trượt bánh khi phanh bị bó cứng.

Trong khi đó, phanh kết hợp giúp tối ưu quãng đường phanh nhờ phân bổ lực phanh đều ở cả trước và sau. Với việc hệ thống phanh vẫn bị bó cứng, phanh kết hợp không khác gì phanh thường trong điều kiện đường trơn, trời mưa.

Do đó, phanh ABS được đánh giá an toàn hơn phanh kết hợp ở tất cả điều kiện vận hành.

Phanh kết hợp có giá thành rẻ hơn phanh ABS

Với cấu tạo và nguyên lý hoạt động đơn giản, phanh kết hợp có giá thành thấp hơn phanh ABS. Do đó, các hãng xe thường trang bị phanh kết hợp, đặc biệt là Honda. Hãng xe Nhật trang bị phanh kết hợp cho phần lớn xe tay ga, các mẫu xe cao cấp hơn sử dụng phanh ABS.

Các loại phanh kết hợp hiện nay

Hiện tại, có 2 loại phanh kết hợp được trang bị cho các mẫu xe máy tại Việt Nam:

- Phanh CBS (Combi Brake System): Được phát triển bởi Honda, CBS là phanh kết hợp có mặt sớm nhất và được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam. Phanh CBS được trang bị cho xe tay ga của Honda, không xuất hiện trên xe số.

- Phanh UBS (Unified Brake System): Được phát triển bởi Yamaha, phanh UBS ra đời sau phanh CBS của Honda. Hiện tại, Yamaha mới chỉ trang bị phanh này cho chiếc Jupiter Finn tại Việt Nam. Khác với Honda, Yamaha trang bị phanh kết hợp cho xe số vì phần lớn xe tay ga của hãng này được trang bị phanh ABS.

Nhìn chung, 2 loại phanh kể trên có thể xem là 1 khi có cùng nguyên lý hoạt động là chống trượt cho bánh sau. Do được phát triển bởi 2 hãng xe nên chúng mang tên khác nhau.

Có nên mua xe máy có phanh kết hợp?

Dù không hiện đại như phanh ABS, phanh kết hợp vẫn giúp cải thiện tính an toàn cho xe hơn so với phanh truyền thống. Cấu tạo còn khá đơn giản lại là lợi điểm khi giúp cho giá thành của phanh kết hợp thấp hơn phanh ABS, nhờ đó phổ biến hơn.

Hiện tại, các mẫu xe trong tầm giá từ 30 triệu đã được trang bị phanh kết hợp. Nếu không đủ khả năng mua các mẫu xe có phanh ABS, bạn cũng nên mua xe có phanh kết hợp, giúp bạn vững tâm hơn khi lái xe.

Thuận An (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục