Xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng

(Banker.vn) Nhiều đóng góp ý nghĩa nhằm xây dựng một văn hóa uống có trách nhiệm được đưa ra tại hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng”.
Văn hóa uống- cần sự chung tay của cả xã hội Thúc đẩy văn hóa uống có trách nhiệm tại Việt Nam
Xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” do Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho rằng, đồ uống nói chung bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng truyền thống văn hóa. Việc tổ chức hội thảo cũng là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm của ngành đồ uống với xã hội. Tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng đồ uống có văn hóa, có trách nhiệm, không lạm dụng đồ uống có cồn, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.

Không chỉ cung cấp thông tin về hoạt động của ngành, của doanh nghiệp, tạp chí còn truyền thông một cách tích cực hơn nữa về văn hóa uống - uống có trách nhiệm. Tạp chí cũng đã tổ chức thành công Cuộc thi viết “Văn hóa uống - Uống có trách nhiệm” năm 2021; Cuộc thi viết “Ngành Đồ uống Việt Nam với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” và năm 2023 đang phát động Cuộc thi viết “Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn”.

Các cuộc thi đã lan tỏa tới cộng đồng về một hình ảnh đẹp của ngành đồ uống Việt Nam, luôn có trách nhiệm với cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ngày nay, ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật, đóng góp khoảng 60 nghìn tỉ đồng vào ngân sách hàng năm, giải quyết trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động. Đồ uống nói chung và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng văn hóa.

Đồng thời, ngành đồ uống thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng, bao gồm nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau Covid-19, ngành là nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch. Các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc ngành đều quan tâm đến hoạt động vì cộng đồng, phát triển bền vững.

Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền uống có trách nhiệm; tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm, giảm phát thải khí nhà kính... được quan tâm, đầu tư.

Phát biểu tại hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội 4 khóa, nhấn mạnh: Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, văn hóa uống cũng rất quan trọng. Vấn đề này thậm chí từng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, nhằm kiểm soát, nâng cao văn hóa uống, xây dựng trách nhiệm tới người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi, tránh lạm dụng, chấp hành tốt quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, hạn chế được tình trạng tai nạn giao thông và các hệ lụy trong gia đình, xã hội.

Xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) phát biểu

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm còn là một cách thức giúp quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia.

Hiện các nhà máy sản xuất, kinh doanh ngành đồ uống được phân bố tại 51 tỉnh, thành phố trên cả nước và đóng góp cho ngân sách địa phương rất lớn. Tiêu biểu, theo thống kê của Tổng cục Thuế năm 2018, ngành đóng góp khoảng 23 nghìn tỉ đồng cho TP.HCM và gần 5 nghìn tỉ cho Hà Nội.

Sau Covid-19, toàn ngành chịu ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu năm 2020 của ngành đồ uống giảm 16% so với năm 2019, kéo theo lợi nhuận giảm khoảng 20%. Trong điều kiện bình thường mới, ngành cũng vấp một loạt thách thức như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu tăng phi mã (giá malt tăng 50%, giá bột trợ lọc tăng 60%, giá nắp chai tăng 35%...)

Chính vì thế, Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thêm sự hỗ trợ và cho thêm thời gian để phục hồi. Cụ thể, giữ ổn định mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn phục hồi, quản lý chặt chẽ rượu phi chính thức.

Nguyễn Duyên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục