Xây dựng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam

(Banker.vn) Chiều ngày 14/12, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương cùng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ 6, năm 2023 với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.
z4974372026867-1cbe696987cc05dfbbe3a258a15ffcd6.jpg
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ 6, năm 2023 với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã công bố những hành động Việt Nam đã và đang triển khai trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai ngày 2/12/2023. Theo đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo...

z4974377355034-a171cb66b2c1ae5fbb789a34ea210953.jpg
Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan phát biểu tại Diễn đàn

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng có nội dung xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp năng lượng; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Nhờ những chính sách và hành động mạnh mẽ trên, Việt Nam đã trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Lan, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Mỹ.

“Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh”, bà Trần Thị Hồng Lan cho biết.

img-8132-9014.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, chuyên gia của Viện Năng lượng, Bộ Công thương phát biểu tại Diễn đàn

Chia sẻ về định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Ngọc Hưng, chuyên gia của Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết, theo Quy hoạch Điện VIII xác định hình thành các chuỗi từ sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị, phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Phân tích về khả năng nội địa hóa với dự án điện gió ngoài khơi, ông Hưng cho biết, tỷ lệ này gần 40% cho hạng mục gồm quản lý dự án, cung cấp phần móng, đường dây truyền tải, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cảng xây dựng và vận hành bảo trì.

Đại diện Bộ Công Thương đề xuất, cần có quy hoạch rõ chiến lược và hoàn thiện minh bạch thủ tục, giá bán điện hấp dẫn, tập trung nghiên cứu, phát triển lĩnh vực ưu tiên trong chuỗi cung ứng thiết bị và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo các chuyên gia, để phát triển ngành điện tái tạo, bên cạnh những hỗ trợ về mặt chính sách, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp cận được nguồn thông tin, công nghệ và những hỗ trợ cần thiết khác.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Simon Kreye, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức, cho biết, vấn đề chuyển dịch năng lượng đang là nội dung được quan tâm. Đức tiếp tục là đối tác của các quốc gia đang phát triển, quốc gia có nền kinh tế mới nổi về hợp tác năng lượng và chuyển dịch năng lượng. Việt Nam và Đức cũng triển khai lĩnh vực hợp tác này trong nhiều năm qua, trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng ưu tiên trong hợp tác giữa Chính phủ hai nước. Chính phủ Đức cũng có những hỗ trợ trong lĩnh vực hydro xanh, điện gió ngoài khơi nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng như trung hòa carbon.

Ông Simon Kreye cũng cho rằng, hàm lượng nội địa hóa đóng vai trò quan trọng để có thể giúp cắt giảm chi phí phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, những nội dung được đề cập tại Diễn đàn rất phù hợp; giúp trao quyền cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm điện gió và diện mặt trời.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục