Xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại làm ''cầu nối'' thu hút đầu tư

(Banker.vn) Để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, nhiều địa phương hướng đến xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại và đầy đủ chức năng.
Đầu tư Khu cảng tổng hợp và Trung tâm logistics Cái Mép hạ Bà Rịa - Vũng Tàu cần triển khai sớm dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ Ngành logistics Việt Nam chuyển mình đón đầu cơ hội của thị trường

Bàn luận về việc xây dựng trung tâm logistics, tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu Trung du và miền núi phía Bắc diễn ra tại Lào Cai, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cần tập trung thu hút đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng.

Đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo quy hoạch tạo thành mạng lưới đường sắt kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc) để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều qua các cửa khẩu, nhằm đa dạng hóa phương thức vận chuyển là đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt, giảm chi phí logistics.

Song song với đó, có chính sách thu hút đầu tư để xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại, đầy đủ các chức năng như: Vận tải, kho bãi, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch... theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Ý nghĩa quan trọng của hệ thống logistics

Hướng đến mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu, mua bán trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên toàn tuyến biên giới đất liền, nhiều tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đang tập trung phát triển hệ thống logistic hiện đại.

Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu, tập trung xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành một trong những cửa khẩu kiểu mẫu tiên tiến, hiện đại; hợp tác với phía Quảng Tây mở các đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tập trung chuẩn bị các điều kiện về quy hoạch, thu hút đầu tư đối với một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm phục vụ kết nối dịch vụ logistics trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh cũng đôn đốc các nhà đầu tư nhanh chóng đầu tư, xây dựng một số khu chức năng khác thuộc khu kinh tế cửa khẩu như: Khu chế xuất 1, hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc khu phi thuế quan… (những dự án lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động logistics trên địa bàn).

Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế của khu kinh tế cửa khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành công nghiệp - xây dựng tăng dần và ngành nông lâm nghiệp giảm dần, phù hợp với xu thế chung của tỉnh cũng như cả nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào khu kinh tế cửa khẩu trong 14 năm là 77.010 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2023 là 11.574,6 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2010.

Khu kinh tế cửa khẩu đã góp phần quan trọng cho phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, tác động tích cực đến phát triển của các khu vực khác; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước nói chung, nhất là xuất khẩu nông sản, tăng cường quan hệ đối ngoại, tăng thu ngân sách, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ: Nhờ có dịch vụ logistics mà xuất nhập khẩu phát triển và chất lượng ngày càng được nâng cao.

Hướng đến xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại và đầy đủ chức năng
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống logistics hiện đại trong bối cảnh đất nước hiện nay

Trong giai đoạn 2015-2022, giá trị xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng mạnh và ổn định, bình quân đạt gần 16,5%/năm. Đặc biệt, trong năm 2019 giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đã đạt 3,81 tỷ USD, tăng 71% so với năm 2015.

"Trong giai đoạn vừa qua, dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, xung đột giữa các quốc gia, nhưng giá trị xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023 đạt trên 2,1 tỷ USD, 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 600 triệu USD (tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2023)", ông Hoàng Quốc Khánh bày tỏ.

Đáng chú ý, cửa khẩu Lào Cai đã thu hút xuất khẩu được lượng lớn các loại nông sản, trái cây chủ lực đảm bảo tính ổn định, bền vững trong tăng trưởng xuất khẩu, thặng dư thương mại ngày càng được gia tăng. Nếu như năm 2015, nhập siêu qua cửa khẩu Lào Cai gần 300 triệu USD thì đến năm 2023 xuất siêu đạt mức trên 360 triệu USD.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics

Vì chưa thực hiện được mục tiêu xây dựng trung tâm logistics hiện đại đảm bảo các điều kiện trong chuỗi sản xuất và lưu thông nên các tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu theo Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

Hướng đến xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại và đầy đủ chức năng
Hướng đến xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, một trung tâm logistics hiện đại. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với xuất nhập khẩu. Đẩy nhanh hình thành trung tâm logistics cho hàng nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế.

Đồng thời, tỉnh cần chú trọng xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với khả năng gắn kết được với các địa phương trên hành lang; mở rộng các lĩnh vực kết nối để các địa phương và doanh nghiệp trong vùng có thể tham gia. Xây dựng, kết nối các cụm công nghiệp và cụm công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ tổng hợp theo chuỗi giá trị và theo tuyến hành lang kinh tế. Nâng cấp các đô thị dọc hành lang kinh tế.

Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nhân lực trong lĩnh vực logistics.

Về phía tỉnh Lạng Sơn, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hóa các hoạt động logistic hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế cửa khẩu, nhất là đầu tư các công trình giao thông trọng điểm như tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km 18 đến Km 80 và đoạn Km3+700 đến Km18 và tuyến cao tốc Lạng Sơn đến Tiên Yên, Quảng Ninh.

Ngoài ra, tỉnh phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế trong khu kinh tế cửa khẩu.

Đáng chú ý, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; tiếp tục triển khai hiệu quả, toàn diện công tác đối ngoại trên cả 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thanh Thúy

Theo: Báo Công Thương