Bà Nguyễn Thu Hường - Lãnh sự Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia - cho biết, quan hệ Việt Nam - Australia không ngừng lớn mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để hai nước phát triển hơn nữa về kinh tế. Trong những năm qua, Chính phủ Australia xác định Việt Nam là trung tâm trong quá trình xây dựng chiến lược quan hệ với khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Hường cho rằng, dư địa khai thác tại thị trường Australia còn nhiều, do vậy, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và quảng bá những sản phẩm thương hiệu đến với các doanh nghiệp tại Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.
Mới đây nhất, ngày 12/10, Thương vụ đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Sydney và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Doanh nghiệp Hà Nội - Australia.
Ngay tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hường cho biết, niềm tin vào thương hiệu Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao tại thị trường Australia và kết quả đó đến từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam kết hợp với các chương trình xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng sản phẩm của Thương vụ.
Các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của thành phố Hà Nội được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Doanh nghiệp Hà Nội - Australia. Ảnh TTXVN |
Nhằm giúp doanh nghiệp khai thác tối đa thị trường Australia, bà Nguyễn Thu Hường cam kết, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ và tìm kiếm các cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.
Bên cạnh đó, Thương vụ cũng khuyến nghị, trong quá trình hợp tác kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu và có thông tin xác minh về đối tác tại Australia, làm việc với nhà nhập khẩu tại Australia ngay từ những khâu đầu tiên để đáp ứng đầy đủ và đúng theo các điều kiện nhập khẩu, tiêu chuẩn của thị trường, giúp hàng hóa được đảm bảo tối đa về chất lượng và giá trị.
“Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, hình ảnh, định hướng thị trường về sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng để hàng Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường Australia” - bà Hường lưu ý và nhấn mạnh, việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng lòng tin với khách hàng cũng là yếu tố rất quan trọng, vì thế, doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, không ngừng đa dạng hóa nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh tại thị trường Australia.
Chia sẻ về cơ hội hợp tác giao thương giữa Australia và thành phố Hà Nội, ông Luke Magee - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Parramatta (Australia) - kỳ vọng, Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Doanh nghiệp Hà Nội - Australia là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư hai nước.
Ông Luke Magee khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tại thành phố Parramatta nói riêng cũng như các doanh nghiệp Australia nói chung tìm hiểu thêm về những cơ hội hợp tác tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Thành phố Hà Nội với các lĩnh vực, ngành nghề thế mạnh như: Đồ nội thất, các sản phẩm trang trí nội thất bằng gỗ, sứ, sơn mài, vật liệu xây dựng, thiết bị thông minh...
Tương tự, ông Schon Condon, Chủ tịch Liên minh các hiệp hội phía Tây Sydney - cũng đánh giá cao tiềm năng cũng như thế mạnh của các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời cho rằng hai bên có rất nhiều cơ hội để trao đổi, hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của nhau.
Theo số liệu thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Australia, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia tăng trung bình 14%/năm trong giai đoạn 2010 - 2022. 8 tháng năm 2023, Australia là đối tác đầu tư lớn 16 của Việt Nam với 610 dự án, tương đương trên 2,02 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng đầu tư vào Australia khoảng 850 triệu AUD (tương đương 550 triệu USD); chủ yếu là từ Tập đoàn Hòa Phát (khoáng sản) và Tập đoàn TH (chăn nuôi).
Về cơ cấu sản phẩm, Việt Nam xuất khẩu sang Australia các mặt hàng như: Thủy sản, máy móc linh kiện, gỗ, nông sản... Cụ thể, hiện Australia đang là nhập khẩu thủy sản lớn thứ 6 của Việt Nam, Việt Nam là nhà cung cấp mặt hàng thủy sản ngoại nhập số 1 của Australia (chiếm 23% thị phần). Hạt điều Việt Nam cũng là nhà cung cấp số 1 cho Australia đối với hạt điều (99%) và hạt tiêu (gần 30%).
Đặc biệt, Australia đang là nước nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn thứ 9 thế giới trong năm 2022 và đang gia tăng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam, Malaysia và Indonesia là các nước đang đứng đầu. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Australia tăng 11% trong năm 2022, đạt 187,9 triệu USD. Ngoài ra, về dày dép, xuất khẩu sang Australia đạt 438,6 triệu USD, tăng 41,6% (2022) hay dệt may cũng đạt 449,7 triệu USD; tăng 27,4% (2022).
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Australia các nguyên phụ liệu dệt may, da giày, than đá, quặng sắt; sữa và các sản phẩm từ sữa, lúa mỳ... Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu bông từ Australia rất lớn để phục vụ sản xuất may mặc nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính. Việt Nam đã và đang mua bông từ Australia, nhưng vẫn còn có thể mua nhiều hơn nữa khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng mạnh.
Khánh An
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|