Xây dựng lộ trình kiểm soát dịch bệnh để cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”

(Banker.vn) Bộ Y tế sẽ hoàn thiện sớm Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch; tập trung vào vắc xin, xét nghiệm, điều trị, để cả nước trở lại trạng thái “bình thường mới” vào năm 2022.

Tín hiệu tích cực

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tuần qua, tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số ca mắc cao, như: Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 27%, Long An giảm 3%. Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc cũng giảm 30%; trong đó TP. Hồ Chí Minh giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%.

Tính đến sáng ngày 12/9, trên cả nước có tổng số ca khỏi bệnh là 363. 462, chiếm 60,44% số mắc; tỷ lệ tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các trung tâm hồi sức tích cực; 28 tỉnh chưa có ca tử vong.

Để tạo miễn dịch cộng đồng, cả nước đã và đang đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, công suất tiêm những ngày gần đây đã đạt hơn 300.000 mũi tiêm/ngày. Một số phường của thủ đô đặt mục tiêu đến hết ngày hôm nay (12/9) tiêm cho 100% người dân trên 18 tuổi, và phấn đấu đến hết ngày 15/9, 100% số người trên 18 tuổi ở Hà Nội sẽ được tiêm vắc xin.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là mục tiêu rất tham vọng. Hy vọng Hà Nội với vai trò là một đầu tàu về kinh tế, trung tâm chính trị xã hội của cả nước sẽ sớm đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”. Hai mũi giáp công của Hà Nội là đẩy nhanh tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc là hướng đúng đắn.

Hiện nay, một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương cũng đang phấn đấu mục tiêu này.

Về tình hình dịch của 12 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, đã cơ bản đang từng bước kiểm soát, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát. Do đó, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm, xử trí kịp thời.

Sống chung an toàn với dịch bệnh

Quan điểm sống chung an toàn với dịch bệnh đã được Thủ tướng nhiều lần nêu trong thời gian qua. Tại một cuộc họp với các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, người đứng đầu Chính phủ đề nghị phải có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vắc xin và thuốc.

Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ đã giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vắc xin, xét nghiệm và điều trị; nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, trở lại trạng thái “bình thường mới” vào năm 2022.

Tính đến nay, số lượng vắc xin đã có các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ với tổng số 159,97 triệu liều. Dự kiến, lượng vắc xin về trong năm 2021 khoảng 138,4 triệu liều. Bộ Y tế đã, đang đàm phán, trao đổi với các đơn vị để cung ứng vắc xin cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Hiện, Chính phủ đang tiếp tục đàm phán với một số nước là 18,9 triệu liều, trong đó 10 triệu liều với Chính phủ Trung Quốc, 5 triệu với Chính phủ Cu Ba, 3 triệu liều với Chính phủ Ba Lan…

Tuy nhiên, do tình hình khan hiếm vắc xin nói chung, trên thực tế nhu cầu sử dụng vắc xin khá lớn, nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tham mưu về việc tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna đủ thời gian nhưng chưa có loại này để tiêm mũi 2; đồng thời đưa ra khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu tiêm mũi 1 vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vắc xin cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vắc xin sẵn có tại từng thời điểm.

Dù đã có chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, song Bộ Y tế vẫn yêu cầu các tỉnh, thành phố cần rà soát lại việc thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch và phải trực 24/24h tại các cấp, để sẵn sàng xử lý vấn đề phát sinh. Đồng thời xây dựng phương án phòng, chống dịch theo các mức nguy cơ để chủ động khi có ca mắc.

Thanh Tâm

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương