Xây dựng Hoà Bình, Thép Pomina, HAGL Agrico nhận “tối hậu thư” từ HOSE

(Banker.vn) Mặc dù đối diện nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc vì những lý do khác nhau, nhưng giữa ba doanh nghiệp này tồn tại một số điểm chung, đó là tình trạng thua lỗ triền miên và cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã ra loạt thông báo gửi Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC), Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM) và Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG) về việc cổ phiếu của các doanh nghiệp này có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Xây dựng Hoà Bình, Thép Pomina, HAGL Agrico nhận “tối hậu thư” từ HOSE
Xây dựng Hoà Bình, Thép Pomina, HAGL Agrico đang phải đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc

Đối với cổ phiếu HBC của Xây dựng Hoà Bình, mã này hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết về trường hợp cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi “tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp”, HOSE lưu ý Xây dựng Hoà Bình về việc cổ phiếu HBC có khả năng bị hủy niêm yết nếu doanh nghiệp này tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế năm 2023, ông lớn ngành xây dựng ghi nhận doanh thu hơn 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Với việc thua lỗ 777 tỷ đồng trong năm 2023, lỗ luỹ kế của Xây dựng Hoà Bình đã tăng lên mức 2.878 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu theo đó giảm gần 63% so với đầu năm, xuống còn gần 454 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2/2023, cổ phiếu HBC đóng cửa ở mức 8.900 đồng/cp.

Tương tự, đối với Thép Pomina, cổ phiếu POM của doanh nghiệp này cũng đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do doanh nghiệp vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp và có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu điều này tái diễn trong năm nay.

Về tình hình kinh doanh của Thép Pomina, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV ghi nhận, doanh thu giảm 75% so với cùng, xuống còn 3.281 tỷ đồng. Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 961 tỷ đồng, giảm được 28% so với mức lỗ 1.168 tỷ đồng của năm 2022. Đáng nói, đây vẫn là mức lỗ nặng nhất ngành thép. Tổng lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 của Thép Pomina ghi nhận ở mức 1.270 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2/2023, cổ phiếu POM đóng cửa ở mức 5.190 đồng/cp.

Khác với hai doanh nghiệp nói trên, việc cổ phiếu HNG của HAGL Agrico bị kiểm soát là do tình trạng kinh doanh thua lỗ. Theo HOSE, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của doanh nghiệp này đã âm hai năm liên tiếp (năm 2021 âm 1.119 tỷ đồng, năm 2022 âm 3.576 tỷ đồng). Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 mà HOSE nhận được từ HAGL Agrico, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của doanh nghiệp năm 2023 âm 1.050 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 âm 8.054 tỷ đồng.

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”, HOSE lưu ý về việc cổ phiếu HNG có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 tiếp tục ghi nhận kết quả thua lỗ.

Đáng chú ý, trong văn bản giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát mới, đây, HAGL Agrico cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện lộ trình kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2024 - 2027 với chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ sinh học và số hoá theo lộ trình phù hợp. Cụ thể, HAGL Agrico sẽ tập trung vào hoạt động đầu tư và sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến), kinh doanh dịch vụ khách sạn, liên kết với các đối tác để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ kinh doanh vật tư và máy móc, thiết bị chuyên dụng trong nông nghiệp; liên kết thu mua và phân phối các sản phẩm nông nghiệp; sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, giao nhận và kho bãi...

Tại văn bản giải trình, HAGL Agrico khẳng định, doanh nghiệp tin tưởng các chiến lược trên sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và lợi nhuận trong các năm tiếp theo, từ đó từng bước giảm lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính trong thời gian sớm nhất.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2/2023, cổ phiếu HNG đóng cửa ở mức 4.370 đồng/cp.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) có lãi trở lại trong quý IV

Nhờ hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Xây dựng Hoà Bình ...

Khó khăn chồng chất, Thép Pomina triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bàn phương án tái cấu trúc

Trong bối cảnh thua lỗ kéo dài, nợ quá hạn cao ngất ngưởng, cộng với áp lực bán tháo cổ phiếu, Thép Pomina sẽ tiến ...

Thua lỗ 3 năm liên tiếp, lợi nhuận luỹ kế của HAGL Agrico âm 8.000 tỷ đồng

Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lỗ liên tục hàng nghìn tỷ đồng trong 3 năm liên tiếp, qua đó khiến lỗ lũy ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục