Xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng

(Banker.vn) Sáng 13/3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Hà Nội: Đề nghị xử lý công chứng viên làm sai, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Nhà đầu tư gặp rủi ro gì khi thực hiện giao dịch giả tạo? Công an huyện Bảo Thắng (Lào Cai) bắt đối tượng làm giả con dấu, tài liệu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, sửa đổi toàn diện luật hiện hành để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục những tồn tại, hạn chế…

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng như: Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng.

Để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề.

Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển; một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương