Xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết, thống nhất, là tâm điểm của tăng trưởng

(Banker.vn) Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 28 tại Brunei, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Đây là một quyết sách chiến lược rất đúng đắn của Đảng, mở ra cánh cửa để Việt Nam hội nhập quốc tế.
Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 28 tại Brunei, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Đây là một quyết sách chiến lược rất đúng đắn của Đảng, mở ra cánh cửa để Việt Nam hội nhập quốc tế. Hơn 28 năm qua, với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ASEAN, tạo nền tảng để xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết, thống nhất trong nội khối, củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các vấn đề quốc tế và khu vực.


Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Phát huy vai trò hạt nhân thúc đẩy đoàn kết, đồng thuận

Đóng vai trò là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển và những thành tựu của ASEAN kể từ khi gia nhập Hiệp hội đến nay.

Việt Nam đã làm Chủ tịch ASEAN vào các năm: 1998, 2010 và 2020; mỗi lần đều để lại những dấu ấn đậm nét. Chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, tháng 12/1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN năm 2020.

Để hiện thực hóa ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á, Việt Nam đã thúc đẩy thành công việc kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar vào Hiệp hội ASEAN. Với đầy đủ 10 nước thành viên không phân biệt sự khác biệt về hệ thống chính trị, ASEAN đã tạo ra một thế đứng mới, cùng nhau hợp tác, cùng nhau mở rộng quan hệ với bên ngoài, trở thành một lực lượng trung tâm trong các tiến trình đa phương của khu vực.

Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, thông qua việc góp phần xây dựng và thông qua nhiều văn kiện quan trọng, như: Tầm nhìn ASEAN năm 2020, Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng, các lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN…, cùng các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột của Cộng đồng và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, nhất là về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đề xuất và dẫn dắt ASEAN hoàn thành nhiều văn kiện quan trọng, góp phần định hướng phát triển tương lai của ASEAN, như: Tuyên bố lãnh đạo ASEAN về định hướng Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; Tuyên bố Tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về gắn kết và chủ động thích ứng…

Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chứng kiến các chuyển động nhanh chóng, phức tạp, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn, song, nhịp độ tăng trưởng còn chưa ổn định do rủi ro tài chính, lạm phát và bất ổn địa chính trị. Cạnh tranh giữa các quốc gia, nhất là các nước lớn, ngày càng gay gắt và sâu rộng hơn; châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vừa là tâm điểm của tăng trưởng, vừa là trọng điểm của cạnh tranh. Dù gặp nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, Cộng đồng ASEAN cơ bản vẫn duy trì đoàn kết, hướng tới chiến lược phát triển đến năm 2045, cũng như khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực. Quan hệ giữa ASEAN với các đối tác tiếp tục được mở rộng và ngày càng sâu sắc. Các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, coi trọng và mong muốn hợp tác thực chất và lâu dài với ASEAN, thông qua nhiều sáng kiến thiết thực và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại Jakarta (Indonesia) từ ngày 04/9/2023 đến ngày 07/9/2023. Đây là chuỗi hoạt động cấp cao quan trọng kết thúc Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia với chủ đề "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng". Theo đó, Chủ tịch ASEAN năm 2023 Indonesia tích cực thúc đẩy nhiều ưu tiên, sáng kiến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững ở khu vực, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, vừa tạo động lực để ASEAN phát triển, vừa củng cố vai trò của Hiệp hội là lực lượng chủ đạo trong các tiến trình đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

Hội nghị cấp cao lần này sẽ tập trung thúc đẩy "Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025", đánh dấu một lộ trình thiết yếu nhằm tăng cường ảnh hưởng của ASEAN bằng cách nâng cao hiệu quả thể chế của khối, với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ lợi ích của người dân trên trường quốc tế.

Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng ASEAN toàn diện, có tầm nhìn và lấy người dân làm trung tâm, những khía cạnh then chốt trong việc định hình ASEAN đến năm 2045.

Về trụ cột kinh tế, hội nghị thảo luận các biện pháp thúc đẩy đầu tư thương mại không chỉ trong nội khối mà còn với các đối tác như việc nâng cấp Hiệp định tự do thương mại (FTA) hay thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chương trình nghị sự kinh tế rất quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng cho người dân ASEAN.

Về trụ cột an ninh chính trị, các nước sẽ thảo luận biện pháp để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực; các vấn đề quan tâm hiện nay như Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), thúc đẩy khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, hợp tác hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người…

Về trụ cột văn hóa - xã hội, hội nghị xem xét rất nhiều vấn đề như thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, biến đổi khí hậu, quản lí kiểm soát thiên tai, thúc đẩy sự bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa các nước trong khu vực...

Các hội nghị cấp cao lần này dự kiến thông qua và ghi nhận nhiều văn kiện, trong đó có cả các văn kiện chiến lược, mang tính dài hạn và các văn kiện về những lĩnh vực hợp tác cụ thể trong ASEAN và giữa Hiệp hội với các đối tác như an ninh lương thực, kinh tế số, kinh tế biển xanh, nông nghiệp, hệ sinh thái xe điện...
 
Tiếp tục khẳng định hình ảnh một Việt Nam chủ động, tích cực và trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Trong định hướng chung đó, hợp tác với ASEAN luôn là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Tiếp nối những đóng góp với Hiệp hội trong những năm qua và bám sát chủ đề của Năm ASEAN 2023, Việt Nam tiếp tục cùng các nước thành viên duy trì và đề cao cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong các vấn đề khu vực và quốc tế, củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục kiên trì, khéo léo lồng ghép và thúc đẩy các quan tâm và ưu tiên của mình trong ASEAN, như tiếp tục duy trì và phát huy lập trường nguyên tắc về Biển Đông, nội dung phát triển tiểu vùng Mekong.

Điều này đã được thể hiện qua những đề xuất, đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, cũng như các hội nghị cấp bộ trưởng, quan chức cấp cao thời gian qua. Trong phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra Indonesia vào tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng, thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mong muốn của Việt Nam cùng các nước xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu chia sẻ quan điểm của Việt Nam, đề xuất các sáng kiến, định hướng trong nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng, nhằm hiện thực hóa chủ đề của Năm ASEAN 2023, củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới, đáp ứng kì vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thông điệp chủ đạo của đoàn Việt Nam khi tham gia chuỗi hội nghị lần này là đề cao các giá trị đối thoại, hợp tác, thượng tôn pháp luật, thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, hài hòa, củng cố lập trường chung của ASEAN về các vấn đề khu vực, quốc tế. Những thông điệp, đóng góp của đoàn Việt Nam tại các hội nghị tiếp tục khẳng định hình ảnh một Việt Nam chủ động, tích cực và trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN.
 
Tài liệu tham khảo

https://www.nhandan.vn; https://www.qdnd.vn; https://www.mofa.gov.vn/
 

Anh Thư
Theo: Tạp chí Ngân hàng