Xanh hóa năng lượng trong sản xuất: Doanh nghiệp vẫn đối mặt với bài toán lớn nhất là nguồn vốn

(Banker.vn) Xanh hóa năng lượng trong sản xuất là xu hướng của toàn cầu. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn đối diện với khó khăn lớn nhất đó là nguồn vốn.
Xanh hóa năng lượng - xu thế tất yếu "Xanh hóa" năng lượng và xu hướng tăng cường sử dụng điện mặt trời áp mái

Hội thảo 'Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai' diễn ra ngày 27/9 thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp thảo luận về xu hướng chuyển dịch năng lượng bền vững, tìm kiếm giải pháp tối ưu cho một tương lai xanh.

Xanh hóa năng lượng trong sản xuất: Doanh nghiệp vẫn đối mặt với bài toán lớn nhất là nguồn vốn
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Intech Group - cho biết, phát triển năng lượng xanh là xu hướng của toàn cầu, Việt Nam có cơ hội để bứt phá trong lĩnh vực này với tiềm năng lớn. Chúng ta không thể đi ngược lại xu thế, Chính phủ đã cam kết đưa Net Zero bằng 0 và năm 2050, để hiện thực hóa mục tiêu này, sẽ có những hành động cùng các chính sách cụ thể. Intech Group luôn nỗ lực hết mình trên hành trình đưa ra các giải pháp xanh hóa năng lượng trong sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.

Dù vậy, theo ông Trần Văn Nhơn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển năng lượng xanh Intech (Intech Energy) - cho biết, doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh đang gặp 3 khó khăn lớn. Thứ nhất khó khăn về vốn đầu tư. Thứ hai, yếu tố nhận thức của các cá nhân và tập thể, đặc biệt người đứng đầu công ty. Thứ ba, về khó khăn pháp lý, cần có những quy định rõ ràng hơn trong thúc đẩy phát triển năng lượng xanh.

Ông Lê Vinh - Chuyên gia kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng mặt trời - cho rằng, sử dụng các phương tiện xanh như xe điện, năng lượng mặt trời giúp tối ưu được chi phí. Đây là xu hướng cần được phát triển mạnh mẽ.

Trong khi đó, đại diện JolyWood Solar - nhà sản xuất tấm quang điện lớn đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam - cho biết, có nhiều sản phẩm giúp quá trình chuyển dịch xanh hóa năng lượng trở nên thuận tiện hơn.

Hiện nay, các nước trên thế giới đã đẩy mạnh chuyển dịch xanh thông qua các hoạt động tái tạo năng lượng xanh (chuyển từ hóa thạch sang tái tạo, chuyển từ nguồn hữu hạn (than, dầu, khí, uranium) sang vô hạn (ánh sáng mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt) đồng thời chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng nguồn năng lượng xanh trong sản xuất (điện mặt trời, điện gió…).

Hiện, Chính phủ cùng các doanh nghiệp đang rất quan đến sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giúp doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh tại Việt Nam và trên thế giới.

Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó, quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần sự chung tay của cả xã hội. Thúc đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển dịch xanh, sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất sẽ mang lại cơ hội cho phát triển bền vững, giảm phát thải ra môi trường.

“Hiện, Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho việc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không. Theo quyết định mới nhất, sẽ có 2.166 doanh nghiệp buộc phải giảm khí nhà kính, giảm phát thải”, ông Lý Đức Tài - Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam - chia sẻ.

Đưa ra khuyến nghị các giải pháp để thực hiện việc xanh hóa năng lượng, ông Lý Đức Tài cho rằng, các doanh nghiệp có thể sử dụng năng lượng tái tạo hoặc mua bán điện sản xuất từ năng lượng tái theo cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, cần lưu ý sử dụng tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh thay thế thiết bị tiêu hao năng lượng.

Bên cạnh đó, cần triển khai hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng, sử dụng nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa nhận thức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm thải.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục