WTO: Lúa mì vận chuyển qua kênh đào Suez giảm gần 40%

(Banker.vn) Lượng lúa mì vận chuyển qua kênh đào Suez đã giảm gần 40% trong nửa đầu tháng 1/2024, xuống còn 500.000 tấn.
Bộ Công Thương: Rốt ráo gỡ khó cho hàng hóa xuất khẩu trước sự cố siêu tàu mắc kẹt tại kênh đào Suez Kênh đào Suez tăng phí, gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu Tàu container qua Biển Đỏ và kênh đào Suez giảm mạnh, chi phí vận chuyển tăng hơn 300%

Lượng lúa mì vận chuyển qua kênh đào Suez giảm mạnh

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dẫn dữ liệu tổng hợp của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cho hay, con số này phản ánh xu hướng các hãng vận tải biển phải chuyển hướng tàu chở lúa mì sau các vụ tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Theo WTO, trong tháng 12 năm ngoái, chỉ có khoảng 8% lượng lúa mì từ Liên minh châu Âu, NgaUkraine thường đi qua kênh đào Suez đã chuyển sang các tuyến đường khác. Con số này tăng vọt lên khoảng 42% trong nửa đầu tháng 1/2024.

Vấn đề này này ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia phụ thuộc vào nguồn lúa mì nhập khẩu. Cùng với những lo ngại về an ninh lương thực đang gia tăng trên toàn thế giới, tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ khiến thị trường thêm bất ổn.

Lua mi
Lượng lúa mì vận chuyển qua kênh đào Suez đã giảm gần 40% trong nửa đầu tháng 1/2024

Trước đó, hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk... đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Hoạt động vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ ước tính đã giảm 20% trong tháng 12/2023; trong đó, số liệu do công ty phân tích hoạt động hàng hải MarineTraffic (Hy Lạp) thu thập cho thấy lượng tàu chở container đã giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022; tàu chở ô tô, xe thiết bị… cũng giảm ở mức tương tự, trong khi tàu chở hàng khô và khí đốt hóa lỏng giảm không nhiều. Cùng đó, lượng tàu biển đi qua mũi Hảo Vọng đã tăng 27% trong tuần cuối cùng của tháng 12/2023, so với tuần trước đó.

WTO “kém lạc quan” về thương mại toàn cầu năm 2024

Phát biểu với truyền thông khi tham dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Davos, Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, bà cảm thấy không lạc quan về tình hình thương mại trên toàn cầu trong năm nay.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn do căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, những gián đoạn mới mà WTO nhận thấy ở Biển Đỏ, trên kênh đào Suez, kênh đào Panama. Điều này đồng nghĩa với việc WTO cảm thấy kém lạc quan hơn về tình hình thương mại trên toàn cầu năm 2024”, bà Okonjo-Iweala chỉ ra.

Theo quan chức WTO, cá nhân bà hy vọng cuộc xung đột ở Trung Đông có thể sớm chấm dứt, đồng thời cảnh báo việc này có thể tạo ra “tác động lớn thực sự” đối với dòng chảy thương mại toàn cầu vốn đã yếu nếu xung đột mở rộng ra toàn khu vực.

Xung đột ở Trung Đông có thể là nhân tố bổ sung vào các yếu tố kìm hãm tăng trưởng thương mại, ví dụ như lãi suất cao hơn, thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng và cuộc xung đột ở Ukraine”, Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh.

Chúng tôi hy vọng chuyện này sẽ sớm kết thúc và mọi cuộc xung đột dừng lại. Nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi là xung đột ở Trung Đông lan rộng ra toàn khu vực, bởi vì điều đó sẽ có tác động thực sự lớn đến thương mại. Mọi người đều đang lo lắng và hy vọng vào điều tốt nhất”, bà Okonjo-Iweala bày tỏ.

Trước đây, WTO từng dự báo hoạt động thương mại sẽ tăng 0,8% trong năm ngoái và 3,3% trong năm nay. Tuy nhiên, đây là số liệu được ghi nhận và tính toán trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Trung Đông và những diễn biến mới đây liên quan tới địa chính trị. Do đó, bà Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo các dự đoán tiếp theo sẽ đưa ra con số thấp hơn trong năm nay.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm 2024. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,9% trong năm 2024 - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000-2019.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương