Dự báo trên được WB đưa ra trong bản cập nhật kinh tế mới nhất có tựa đề "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng" công bố ngày 10/8. Theo đó, WB dự báo mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 4,7% vào năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.
"Chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các hạn chế đối với việc thực hiện hiệu quả đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn", báo cáo WB nhấn mạnh.
Hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả
Tại buổi công bố báo cáo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế.
Chính phủ đã lên kế hoạch nâng đầu tư công thêm 38% (so cùng kỳ) cho năm 2023 – tương đương 1,6% GDP (thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế 2022-2023). Công tác triển khai đang được đẩy nhanh, khi giải ngân vốn đầu tư công ước tăng tới 43,3% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, tiến độ triển khai đầu tư công lâu nay vẫn chậm, chẳng hạn chỉ đạt 67,3% trong năm 2022. Do đó, WB cho rằng, các bước đi nhằm đẩy nhanh và cải thiện hiệu suất triển khai sẽ giúp giải quyết những hạn chế phát sinh về hạ tầng để phục vụ tăng trưởng, bao gồm nhu cầu đầu tư cấp thiết cho mạng lưới truyền tải điện cũng như nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
"Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Việt Nam không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn", bà Carolyn Turk nói.
Để đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo, WB đề xuất một số giải pháp, như: Thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023 có thể kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế; đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài; nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa trong việc khuyến khích thực hành và tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng môi trường bền vững...
WB khuyến nghị, Việt Nam cần cho phép có sự linh hoạt trong các quy định về phân bổ ngân sách được xác định trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022 - 2023 và cho phép được linh hoạt phần nào để thực hiện một số hoạt động đấu thầu sớm trước khi phân bổ ngân sách. Các cấp có thẩm quyền cần cải tiến cách tiếp cận lựa chọn đối tượng và cơ chế cung cấp hỗ trợ trong hệ thống an sinh xã hội để điều này trở thành công cụ linh hoạt trong hỗ trợ cho những người dễ tổn thương khi gặp cú sốc kinh tế.
Các chuyên gia của WB cho rằng, từ năm 2024, Chính phủ sẽ từng bước quay lại củng cố tình hình tài khóa cho phù hợp với Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030. Nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023, trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ dần được cải thiện, nhờ xuất khẩu phục hồi nhẹ, số lượt du khách quốc tế tiếp tục phục hồi và nguồn kiều hối vẫn đứng vững.
Chính sách tài khóa có vai trò quyết định đến tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do tổng cầu yếu đi và tăng trưởng giảm tốc xuống dưới mức tiềm năng đòi hỏi phải có những hỗ trợ chính sách chủ động, trong đó, chính sách tài khóa có vai trò quyết định quan trọng đến tăng trưởng kinh tế.
WB đánh giá, dư địa tài khóa còn dồi dào. Do đó, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn nữa. Theo kế hoạch, nếu được triển khai đầy đủ sẽ nâng ngân sách đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022, với xung lực tài khóa hỗ trợ cho tổng cầu ở mức 0,4% GDP.
WB khuyến nghị, triển khai hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nên được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, do dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ thêm không còn nhiều, vì nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm.
Do đó, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.
Để xử lý rủi ro tài chính và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng, cần phải có những cải cách nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng, tăng cường cơ chế, thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm, xử lý các ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng. Những cải cách đó dự kiến sẽ giúp các cấp có thẩm quyền giám sát và can thiệp hiệu quả vào những tổ chức tài chính có vấn đề, ngăn ngừa khủng hoảng leo thang và giảm thiểu rủi ro hệ thống.
WB cũng khuyến nghị, Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa các mặt hàng và địa chỉ xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào những thị trường và sản phẩm cụ thể, qua đó nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với những biến động kinh tế trên toàn cầu.
Trong trung hạn, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chẳng hạn, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu bằng cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh. Thuế các-bon và các công cụ tài khóa khác nếu được triển khai có thể khuyến khích các ngành công nghiệp giảm phát thải cácbon và áp dụng các biện pháp bền vững hơn.
Đồng thời, chính sách tài khóa có thời hạn nhằm khuyến khích tiêu dùng xanh, như ưu đãi thuế hoặc trợ giá cho các sản phẩm thân thiện sinh thái, có thể là cách khuyến khích các cá nhân lựa chọn sản phẩm theo cách có ý thức về môi trường.
Bên cạnh đầu tư công, WB cho rằng,các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đảm bảo an sinh xã hội cũng là cách để hỗ trợ cho tổng cầu. Để làm được điều đó, các cấp có thẩm quyền cần cải tiến cách tiếp cận lựa chọn đối tượng và cơ chế cung cấp hỗ trợ trong hệ thống an sinh xã hội sao cho nó trở thành công cụ linh hoạt để hỗ trợ cho những người dễ tổn thương khi gặp cú sốc kinh tế.
Minh Ngọc
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|