vương quốc anh gia nhập cptpp sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho việt nam

(Banker.vn) Phó Chủ tịch nước khẳng định, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò và nâng cao vị thế Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Ông Nguyễn Hoàng Long - Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ai-len được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương

Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới

Sáng 8/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình tóm tắt về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước cho biết, ngày 1/2/2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Trên cơ sở đó, quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã được tiến hành.

Về cơ bản, đàm phán gia nhập CPTPP là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong CPTPP.

Ngày 16/6/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành Thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.

Về nội dung chính của Văn kiện gia nhập, bà Võ Thị Ánh Xuân nêu, đối với Việt Nam, Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh gồm 2 phần chính: Nghị định thư gia nhập và các Phụ lục; Thư của Vương quốc Anh và các thư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Trong đó, Nghị định thư và các Phụ lục thể hiện các cam kết mở cửa thị trường của Vương quốc Anh đối với 6 lĩnh vực, bao gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, mua sắm của chính phủ, dịch vụ tài chính và doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, Nghị định thư còn thể hiện một số cam kết về pháp lý - thể chế, theo đó thống nhất các chương cụ thể của Hiệp định được áp dụng cho các vùng lãnh thổ nhất định của Vương quốc Anh, và các thành viên CPTPP nhất trí chấp nhận một điều khoản ngoại lệ về Nghị định thư Bắc Ai-len.

Đối với các thư và thư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, tương tự như với 10 thành viên CPTPP, Việt Nam tiếp tục ký với Vương quốc Anh 05 thư song phương về các lĩnh vực lao động - công đoàn, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính với cùng nội dung như các thư đã ký trước đây.

Ngoài ra, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng ký thư song phương về mua sắm của Chính phủ, thời gian ân hạn trong sở hữu trí tuệ và cấp phép đầu tư trên cơ sở bảo đảm sự có đi có lại và cân bằng về nghĩa vụ giữa hai bên.

Đặc biệt, Vương quốc Anh đã ký thư gửi Việt Nam xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng Điều 14.1(b) trong Quy định Phòng vệ thương mại năm 2019 của nước này đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam.

Sẽ thúc đẩy mạnh mẽ trao đổi thương mại - đầu tư Việt Nam - Anh

Đánh giá tác động của việc Vương Quốc Anh gia nhập CPTPP đối với Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho hay, về tác động về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, ở góc độ song phương, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ FTA song phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh.

Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về tác động về kinh tế, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

"Trong bối cảnh Vương quốc Anh luôn là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, những kết quả đàm phán ta đã đạt được sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại - đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn" - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về tác động về lao động, việc làm, xã hội, các ngành mà Vương quốc Anh có thế mạnh xuất khẩu như máy móc, thiết bị công nghệ cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng đều không cạnh tranh mà có tính bổ trợ cho các ngành thế mạnh của Việt Nam, do đó, sẽ không phát sinh cạnh tranh đáng kể về công ăn việc làm, mặt khác, còn giúp phát triển thị trường lao động và gia tăng việc làm trong các lĩnh vực tương ứng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng nêu các thách thức đối với Việt Nam. Cụ thể, Vương quốc Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh vẫn đứng trước thách thức về đạt tiêu chuẩn lưu hành nội địa.

Việt Nam cũng sẽ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Vương quốc Anh. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của Vương quốc Anh và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Căn cứ vào Điều 1 Nghị định thư, khoản 3 Điều 54 Luật Điều ước quốc tế 2016, Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh cần phải được trình Quốc hội phê chuẩn. Chính phủ đề xuất phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV để Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư (đến nay đã có 3 thành viên CPTPP thông báo đã hoàn tất thủ tục trong nước gồm Singapore, Nhật Bản và Chi-lê).

Chính phủ cũng kiến nghị áp dụng toàn bộ nội dung của Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh. Đồng thời, Chính phủ không có kiến nghị sửa đổi, ban hành mới các văn bản luật để thực hiện Văn kiện. Ở cấp độ dưới luật, dự kiến Chính phủ cần ban hành Nghị định về biểu thuế mới hoặc văn bản pháp luật mới để hướng dẫn thực thi các cam kết về mua sắm chính phủ và dịch vụ - đầu tư.

"Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ với các nội dung nêu trên, căn cứ Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV" - bà Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục