Vừa thoát án hủy niêm yết, PGT Holdings lại tiếp tục báo lỗ

(Banker.vn) Nhờ khoản lãi mỏng gần 900 triệu đồng trong năm 2021, PGT Holdings đã thoát án hủy niêm yết nhưng cũng nhanh chóng báo lỗ trở lại trong năm 2022.

Công ty CP PGT Holdings (HNX: PGT) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022. Theo đó, trong quý IV/2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 5,2 tỷ đồng, gấp 26,2 lần so với cùng (quý IV/2021 đạt 191 triệu đồng).

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của PGT Holdings chỉ đạt “vỏn vẹn” 85 triệu đồng trong khi chi phí tài chính tăng mạnh lên 3,54 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty cũng tăng 60% lên mức 3,4 tỷ khiến công ty lỗ thuần hoạt động kinh doanh gần 5,2 tỷ, giảm sâu so với mức lãi 480 triệu của quý IV/2021.

Sau trừ các khoản thuế phí, PGT Holdings báo lỗ ròng 5,4 tỷ đồng (quý IV/2021 lãi 0,6 tỷ) trong đó phần lỗ của công ty mẹ là 6 tỷ. Đây cũng là quý lỗ thứ 2 liên tiếp của doanh nghiệp này và là mức lỗ nặng nhất trong 12 quý gần nhất.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của PGT Holdings đạt 17,7 tỷ đồng – đây là mức doanh thu cao nhất của công ty kể từ năm 2015. Tuy nhiên, do các chi phí đồng loạt tăng mạnh khiến doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ 2,4 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2022 lên 67,6 tỷ đồng.

Trước đó, hồi giữa tháng 6/2021, cổ phiếu PGT đã bị đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận năm 2019 và 2020 là số âm. Mã sau đó thoát án hủy niêm yết nhờ khoản lãi mỏng 865 triệu đồng năm 2021. Như vậy, PGT đã chuyển lỗ trở lại chỉ sau 1 năm. Hiện cổ phiếu PGT vẫn duy trì diện cảnh báo và có mức giá 3.300 đồng/cp.

Vừa thoát án hủy niêm yết, PGT Holdings lại tiếp tục báo lỗ
Năm 2022, PGT Holdings đã chuyển lỗ trở lại sau khi có một khoản lãi mỏng, giúp thoát 'nạn' hủy niêm yết

PGT Holdings tiền thân là Công ty CP Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex – một công ty con của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), niêm yết trên sàn HNX từ 14/12/2009. Đến năm 2015, Petrolimex thoái vốn khỏi Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex và có sự xuất hiện của các nhà đầu tư Nhật Bản. Đến tháng 2/2016, công ty chính thức đổi tên thành PGT Holdings như hiện nay.

Trong giai đoạn trước đó, với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải (xe buýt, taxi), tình hình kinh doanh của công ty liên tục sa sút. Năm 2013, PGT lỗ tới trên 21 tỷ đồng, năm 2014 lỗ trên 10 tỷ đồng, năm 2015 chỉ có lãi nhẹ hơn 200 triệu đồng, sang năm 2016 tiếp tục lỗ gần 5,9 tỷ đồng.

Trước tình trạng kinh doanh sa sút kéo dài, PGT Holdings lại có động thái M&A nhiều doanh nghiệp để tham gia vào lĩnh vực kinh doanh mới như đầu tư, tài chính và bất động sản. Cũng trong giai đoạn này, PGT Holdings đã thành lập 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Vĩnh Đại Phát chuyên kinh doanh lĩnh vực cung ứng nguồn lao động và Công ty TNHH Vina Terrace Hotel chuyên lĩnh vực khách sạn và đầu tư.

Trong giai đoạn 2017 - 2018, PGT Holdings đã mua phần vốn góp tại một công ty tại Myanmar - Công ty BMF Microfinance (BMF) - chuyên về lĩnh vực tài chính và Công ty Nguồn Nhân Lực. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của PGT Holdings cũng không mấy tươi sáng hơn khi năm 2017 lỗ 8,2 tỷ đồng, năm 2018 lãi “vỏn vẹn” 200 triệu đồng.

Bước sang giai đoạn 2019 - 2020, PGT Holdings mua lại công ty PGT JP và trở thành một thành viên chủ chốt trong nghiệp đoàn Hello Japan. Trong nhịp kinh doanh này, công ty tái lỗ các với các mức âm 15 tỷ và âm 11,5 tỷ đồng.

Sang năm 2021, trước tác động của dịch COVID-19, phía doanh nghiệp từng chia sẻ về kế hoạch đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực M&A trong đó với BMF là kế hoạch cho vay tài chính bằng điện thoại thông minh để mở rộng phạm vi cho vay trên toàn thành phố Yangon khi Myanmar bình thường hóa trở lại.

Đối với hoạt động trong nước, công ty con Vĩnh Đại Phát được giao nhiệm vụ thu mua các công ty có hoạt động công nghệ hóa và PGT Holdings cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong thông báo ngày 30/12/2022, HĐQT PGT Holdings đã ra Nghị quyết thông qua phương án thoái vốn cũng như tiêu chí chọn đối tác và danh sách đối tác tiềm năng cho Vĩnh Đại Phát.

Cơ cấu cổ đông hiện nay của PGT Holdings gồm Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Halo đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ là 9,81%, tiếp đến là ông Shimabukuro Yoshihiko- thành viên HĐQT công ty với tỷ lệ nắm giữ là 8,933%, ông Shimabukuro Yoshinori – con trai ông Shimabukuro Yoshihiko đang nắm giữ 8,87%...

Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT của PGT Holdings là ông Ryotaro Ohtake, hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (Saigontourist Transport , mã: STT). Còn nhớ, hồi cuối năm 2020, Saigontourist Transport gây xôn xao thị trường tài chính với thông tin bị cổ đông lớn làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản khi cho rằng công ty hoạt động không hiệu quả, dẫn tới thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.

Được biết, những lục đục nội bộ của Saigontourist Transport đã kéo dài từ năm 2013 với việc tranh chấp giữa ban điều hành cũ, tiếp đó là những bất đồng giữa 2 nhóm quản trị Nhật – Việt giai đoạn 2014-2020.

Mặc dù, sau khi xem xét chứng cứ và tình trạng hoạt động thực tế của Saigontourist Transport, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM đã quyết định không mở thủ tục phá sản đối với công ty, nhưng hoạt động kinh doanh của Saigontourist Transport vẫn chìm trong thua lỗ trong nhiều năm qua.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục