Vừa nhận khoản lỗ kỷ lục theo quý, DDG "ngậm ngùi" báo "ế" lô trái phiếu 150 tỷ đồng

(Banker.vn) Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu của Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG).
Vừa nhận khoản lỗ kỷ lục theo quý, DDG
Vừa nhận khoản lỗ kỷ lục theo quý, DDG "ngậm ngùi" báo "ế" lô trái phiếu 150 tỷ đồng

Theo đó, DDG bắt đầu chào bán 1.500 trái phiếu mã DDGH2325001, với mệnh giá 100 triệu đồng (tương ứng giá trị 150 tỷ đồng) từ ngày 10/5 cho đến ngày 8/8. Tuy nhiên, hết thời hạn, đợt phát hành trái phiếu vẫn diễn ra không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký đặt mua.

Được biết, lãi suất phát hành trái phiếu là 11%/năm, tương đối thấp so với mặt bằng chung hiện tại.

Việc DDG phát hành "ế" xảy ra trong bối cảnh doanh nghiệp cũng vấp phải nhiều khó khăn trong hoạt động thanh toán lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 20/4, doanh nghiệp đã phải tổ chức Hội nghị trái chủ cho gói trái phiếu DDGH2123001 phát hành ngày 10/5/2021, đáo hạn ngày 10/5/2023, nhằm thỏa thuận với nhà đầu tư cho giãn thời hạn trả gốc thêm 24 tháng.

Sau khi thấu hiểu nỗi khó khăn của DDG, trái chủ đã đồng ý gia hạn thời gian trả gốc đến ngày 10/5/2025. DDG cũng đề xuất lộ trình thanh toán trái phiếu đến hạn thành 3 đợt, cụ thể đợt 1 thanh toán 30% chậm nhất vào ngày 28/02/2024; đợt 2 thanh toán 30% chậm nhất vào ngày 30/08/2024 và đợt 3 thanh toán 40% chậm nhất vào ngày 30/4/2025.

Ngoài ra, DDG cũng đưa ra phương án bổ sung hai tài sản đảm bảo gồm hệ thống sấy bã hèm đôi và hệ thống cô đặc của doanh nghiệp.

Tổng giá trị của lô trái phiếu DDGH2123001 là 300 tỷ đồng. Ban đầu được đảm bảo bởi 15 triệu cổ phiếu DDG và quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất với tổng diện tích 7.975 m2 cùng các tài sản khác tại lô 2.9A6, đường số 6, KCN Trà Nóc II, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.

Vừa nhận khoản lỗ kỷ lục theo quý, DDG
Kết quả phát hành trái phiếu của Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương

Về tình hình kinh doanh, quý II, doanh thu của DDG đạt gần 191 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn chỉ giảm 11% khiến biên lãi gộp lao dốc mạnh xuống chỉ còn 5,4% từ mức gần 19% cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 78% so với quý II/2022.

Đáng chú ý, chi phí tài chính trong kỳ của DDG lại tăng đột biến lên hơn 192 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chi phí lãi vay tăng gấp đối lên mức 36,3 tỷ đồng còn lại là khoản chi phí tài chính khác lên đến 155,8 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ vỏn vẹn hơn 200 triệu đồng) nhưng không được thuyết minh cụ thể.

Sau khi trừ các chi phí và ghi nhận lỗ khác (gần 7,9 tỷ đồng), DDG lỗ ròng đến 193,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 20 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp này từng ghi nhận trong một quý.

Khoản lỗ này thậm chí còn lớn hơn tổng lợi nhuận của cả 4 năm niêm yết (2019 - 2022) cộng lại.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, DDG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 350 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp này lỗ ròng 193,3 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2022 vẫn có lãi gần 31 tỷ đồng. Khoản lỗ kỷ lục này đã thổi bay toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích luỹ được trước đó. Tính đến cuối quý II, DDG lỗ luỹ kế gần 81 tỷ đồng.

Năm 2023, DDG lên kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu đạt 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 27% so với năm trước. Với kết quả nửa đầu năm, doanh nghiệp này mới thực hiện được 1/3 kế hoạch doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Cuối quý II, nợ vay tài chính của DDG chiếm đến hơn một nửa tổng tài sản. Dù giảm so với đầu năm nhưng cơ cấu nợ vay đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng nợ dài hạn và giảm nợ ngắn hạn. Thời điểm 30/6, nợ dài hạn đã tăng gấp 4 lần đầu năm lên hơn 400 tỷ trong khi nợ ngắn hạn đã giảm gần một nửa xuống còn 400 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, hai lãnh đạo cấp cao của DDG là ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu để nâng số cổ phiếu nắm giữ lên 2,33 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,9%); và bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc DDG đăng ký mua 800.000 cổ phiếu, qua đó nâng số cổ phiếu nắm giữ dự kiến lên hơn 2,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,01%).

Hai giao dịch được đăng ký thực hiện từ giữa tháng 8 đến ngày 11/9/2023. Trên thị trường chứng khoán, khép phiên giao dịch sáng 11/8, cổ phiếu DDG được giao dịch quanh vùng 9.700 đồng/cp, thấp hơn 2,02% so với giá tham chiếu.

Tạm tính theo thị giá trên, số tiền ông Nguyễn Thanh Quang cần chi trong thương vụ gom cổ phiếu là khoảng 10 tỷ đồng, và bà Trần Kim Sa là trên dưới 8 tỷ đồng.

Lãnh đạo DDG bị công ty chứng khoán bán cầm cố hơn 2,5 triệu cổ phiếu

Giá cổ phiếu DDG trải qua chuỗi tuột dốc không phanh với 19 phiên liên tiếp giảm sàn kể từ phiên 10/04. Thị giá từ ...

Một doanh nghiệp HNX30 báo lỗ 193 tỷ sau nửa năm, cổ phiếu từng giảm sàn 19 phiên liên tiếp

Sau nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp HNX30 này ghi nhận 350 tỷ đồng doanh thu - bằng 32,4% kế hoạch. Chỉ tiêu lợi nhuận ...

Lãnh đạo giữ "lời hứa", cổ phiếu DDG tăng kịch trần

Phiên giao dịch ngày 9/8, ngược dòng thị trường chung, cổ phiếu DDG của Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương bật tăng ...

Hà Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán