Vừa huy động 6,4 tỷ USD từ Australia, Tín Thành Group lớn cỡ nào?

(Banker.vn) 6,4 tỷ USD tiền vốn mà Acuity Funding tài trợ cho Tín Thành Group sẽ được rót vào 3 dự án trọng điểm của doanh nghiệp. Song, đó là chưa đủ cho tham vọng của Tín Thành Group cũng như Chủ tịch Trần Đình Quyền.
Vừa huy động 6,4 tỷ USD từ Australia, Tín Thành Group lớn cỡ nào?
Tín Thành Group "hút" nguồn vốn "khủng" từ Acuity Funding

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành Group) đã cùng Tổ chức sắp xếp và quản lý vốn Acuity Funding của Australia ký kết chấp thuận tài trợ vốn. Theo đó, Acuity Funding xác nhận đồng ý tài trợ 6,4 tỷ USD cho Tín Thành Group.

Được biết, số tiền này sẽ được Tín Thành Group sử dụng cho ba dự án trọng điểm, bao gồm hai dự án tại Mỹ và một dự án tại Việt Nam.

Ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Tín Thành Group cho hay: “Nguồn vốn trên được đảm bảo sẽ sẵn sàng để phân phối và quản lý thực hiện các kế hoạch kinh doanh theo từng giai đoạn, bắt đầu giải ngân từ các dự án tại Mỹ trong năm 2023”.

Đáng chú ý, các dự án nhận vốn “khủng” từ Acuity Funding đều mang tham vọng lớn, nhằm khẳng định “tên tuổi” của Tín Thành Group trong lĩnh vực năng lượng sạch – lĩnh vực mà doanh nghiệp này đã theo đuổi từ khi thành lập tới nay.

Nguồn vốn “khủng” phục vụ tham vọng lớn

Với 6,4 tỷ đồng nhận được từ Acuity Funding, Tập đoàn sẽ dành 3,7 tỷ USD, tương đương gần 58% nguồn vốn để xây dựng cơ sở sản xuất hydrogen xanh ở Nam Carolina.

Đối tác của Tín Thành Group trong dự án này là “đại gia” khí đốt Air Products – doanh nghiệp đang được định giá 67 tỷ USD trên sàn NYSE. Theo tìm hiểu, nhà máy của Tín Thành Group và Air Products sẽ sản xuất hydrogen xanh dùng cho ô tô từ nguyên liệu biomass sẵn có tại địa phương, với công suất dự kiến lên tới 150.000 tấn/năm, được kỳ vọng sẽ thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than đã lỗi thời và gây ô nhiễm cũng như mang lại sự thay đổi cho ngành công nghiệp ô tô.

Hiện tại, Tín Thành Group đã được chính quyền bang Nam Carolina chấp thuận cấp đất và ưu đãi đầu tư 350 triệu USD trong 20 năm.

Trong khi đó, 1,7 tỷ USD từ nguồn vốn tài trợ được Tín Thành Group phân bổ vào dự án xây dựng nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải cũng tại bang Nam Carolina. Được biết, đây là dự án mà Tín Thành Group “bắt tay” với King Coffee của nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo.

Đối với dự án này, hai doanh nghiệp Việt Nam đã nhận ưu đãi hơn 500 triệu USD từ bang Nam Carolina. Tháng 3 vừa qua, nhà máy của Tín Thành và King Coffee đã được động thổ. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ phục vụ hơn 1 triệu xe tải ở Mỹ với mục tiêu giảm lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh.

Đây cũng là một phần trong kế hoạch “chiếm lĩnh” từ 10 – 20% thị phần dịch vụ vận hành trọn gói các loại xe vận tải tại Mỹ của Tín Thành Group.

Số tiền khoảng hơn 1 tỷ USD còn lại sẽ được Tín Thành Group sử dụng để phát triển 4 nhà máy điện sinh khối và hàng nghìn ha trồng cao lương tại miền Trung và miền Nam Việt Nam. Theo tìm hiểu, 4 nhà máy điện sinh khối của Tín Thành Group được đặt tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum và An Giang, có tổng công suất là 175MW.

Tín Thành Group lớn cỡ nào?

Trước khi triển khai những dự án đầy tham vọng nói trên, Tín Thành Group đã tạo ra được không ít tiếng tăm ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là tại Mỹ.

Theo tìm hiểu, Tín Thành Group tiền thân là Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành, được thành lập tháng 9/2009, với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, bởi ba cổ đông sáng lập là ông Trần Đình Anh Khoa (góp 45 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Thanh Hiền (20 tỷ đồng) và bà Nguyễn Lê Vy (35 tỷ đồng). Năm 2017, doanh nghiệp này được đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành và một năm sau thì tiến hành cổ phần hoá. Sau nhiều lần tăng vốn, đến tháng 4/2022, quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt 432 tỷ đồng.

Hiện nay, đại diện pháp luật của doanh nghiệp hiện nay là ông Trần Đình Quyền. Theo tìm hiểu, ông Quyền bắt đầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của Tín Thành Group từ năm 2011, sau khi tiếp nhận toàn bộ phần vốn góp của ông Trần Đình Anh Khoa, một phần vốn góp của ông Nguyễn Thanh Quang và trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1960 còn là đại diện pháp luật của Công ty CP Tintech Asia, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và là thành viên HĐQT của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC).

Theo thông tin giới thiệu trên website, Tín Thành Group hoạt động trong 7 lĩnh vực chính, bao gồm: Năng lượng tái tạo, Công - Nông nghiệp khép kín, Tiết kiệm và giảm phát khí thải, Tái chế rác thải và Dịch vụ cho thuê lốp xe. Về cơ cấu, doanh nghiệp này sở hữu 5 đơn vị thành viên, bao gồm 4 công ty tại Việt Nam là Công ty TNHH Nhiên liệu & Năng lượng tái tạo Thuận Phát, Công ty TNHH Nhiên liệu & Năng lượng tái tạo Tín Thành, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trung Tín, Công ty TNHH Năng lượng Tín Thành và một công ty có trụ sở tại Mỹ là Tin Thanh Electrcity Stream Industrial Corp.

Vừa huy động 6,4 tỷ USD từ Australia, Tín Thành Group lớn cỡ nào?
Hệ sinh thái Tín Thành Group

Tại Việt Nam, Tín Thành được biết đến là đơn vị cung ứng hơi bão hòa cho trên 40 doanh nghiệp ở khắp cả nước, trong đó có nhiều thương hiệu lớn như Sabeco, Habeco, Carlsberg, Coca-Cola, Cao su DRC Đà Nẵng, Cao su miền Nam, Tập đoàn Hoa Sen, Cholimex...

Cùng với đó là các dự án phát điện sinh khối từ cây cao lương như Nhà máy điện sinh khối Đăk Tờ Re, Nhà máy điện sinh khối Quế Sơn, Nhà máy Điện sinh khối Núi Tô 2, Nhà máy điện sinh khối Châu Lăng,...

Sau những thành công tại Việt Nam, năm 2012, Tín Thành Group đã vươn tới thị trường Mỹ với việc thành lập nên Tin Thanh Electricity Steam Industrial Corp vào năm 2012 tại Bloomington, tiểu bang Minnesota.

Năm 2014, sau Tín Thành Group khi hợp tác với Cao su Đà Nẵng, Chủ tịch Trần Đình Quyền “gia nhập” HĐQT của doanh nghiệp này đồng thời khởi xướng mang lốp xe của Cao su Đà nẵng tới Mỹ với dịch vụ cho thuê lốp xe. Từ chỗ chỉ xuất khẩu 2 container/tháng trong giai đoạn đầu, đến nay, trung bình mỗi tháng, hai doanh nghiệp này đã xuất khẩu hơn 100 container lốp xe.

Năm 2017, Tín Thành Group đã trúng thầu cung cấp năng lượng tái tạo cho 21 nhà máy sản xuất Ethanol tại tiểu bang Minnesota. Bên cạnh đó, Tín Thành Group cũng được cho là sở hữu nhà máy Sản xuất, lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles, có trụ sở đặt tại tiểu bang Florida.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có mặt tại Cuba với các dự án năng lượng, nhiên liệu tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao hay mới đây là thị trường Brazil với dịch vụ cho thuê lốp xe.

Danh tiếng của Tín Thành Group càng được bồi đắp khi Chủ tịch HĐQT Trần Đình Quyền nhiều lần xuất hiện bên cạnh chính khách. Dù vậy, những thông tin về tiềm lực tài chính của Tín Thành Group lại không có nhiều.

Năm 2020, khi Tín Thành Group muốn huy động 100 tỷ đồng từ kênh trái phiếu để đầu tư dự án điện hơi cùng Cao su Đà Nẵng, một số thông tin trọng yếu về hoạt động và cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp mới được tiết lộ.

Theo đó, năm 2019, doanh thu của Tín Thành Group đạt 410 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2018. Lợi nhuận gộp tăng 26,3%, lên mức 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 92 triệu. Năm 2020, lợi nhuận đạt 14,98 tỷ đồng, vẫn khá khiêm tốn so với quy mô hoạt động.

Những lần gây chấn động khác

Trên thực tế, cái tên Tín Thành Group không chỉ được chú ý với việc thu hút nguồn vốn “khủng” hay các hoạt động hợp tác tại nước ngoài nêu trên mà đã từng không ít lần gây chấn động với những thông tin xoay quanh hoạt động M&A.

Năm 2017, Tín Thành Group từng gây chú ý với đề xuất mua 55% vốn của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nên biết, thời điểm đó, Lọc hoá dầu Bình Sơn được định giá 72.880 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc, để sở hữu 55% cổ phần của doanh nghiệp này, Tín Thành Group sẽ phải bỏ ra tới 40.000 tỷ đồng – một số tiền cực lớn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt mà còn đối với cả các tập đoàn lớn nước ngoài.

Cũng trong năm 2017, Tín Thành Group gây “sốc” khi công bố thông tin đã thành công thâu tóm Ngân hàng Oakwood State Bank – một trong những nhà băng lâu đời nhất nước Mỹ có trụ sở tại bang Texas và đổi tên thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12 cùng năm, Cơ quan Texas đã ra thông cáo phủ nhận thông tin này và tập đoàn bị phạt 35.000 USD vì sử dụng từ “bank” trái phép.

Đáng chú ý, Tín Thành Group cũng từng đặt mục tiêu IPO và đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) trong năm 2020.

Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp này đã tạm dừng kế hoạch này để tập trung vào việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, xử lý rác thải và công nông nghiệp khép kín đang triển khai cũng như cơ cấu lại tổ chức hoạt động.

Chân dung “trùm” than cốc Việt Phát – doanh nghiệp đứng đầu liên danh trúng gói thầu cung cấp than 6.000 tỷ của NMNĐ Sông Hậu 1

Mới đây, Liên danh nhà thầu VPG và Partners do Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG) đứng ...

Chân dung bà Vũ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam vừa bị tạm giữ

Bà Vũ Thị Thuý, chủ nhân “hệ sinh thái Sông Đà Nhật Nam”, tâm điểm của dư luận dạo gần đây, vừa bị Cơ quan ...

Chân dung dàn "cá mập" Shark Tank Việt Nam mùa 6: Tâm điểm "nữ soái" 9X Lê Hàn Tuệ Lâm

Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa tiếp theo vừa chính thức khởi động sau hàng loạt thành công vang dội. Trong dàn "cá ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán