Vừa huy động 600 triệu USD từ nước ngoài, Masan dự định vay tiếp 650 triệu USD

(Banker.vn) Khi thị trường vốn trong nước gặp nhiều khó khăn, Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) liên tục đẩy mạnh việc huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Khách hàng 'tố' TCBS thiếu minh bạch trong hoạt động giải chấp tài sản

Masan vừa công bố Nghị quyết HĐQT phê duyệt việc ký kết hợp đồng tín dụng với các nhóm các ngân hàng nước ngoài, gồm: BNP Paripas, Credit Suisse AG (chi nhánh Singapore), Standard Chattered, HSBC, UOB và các tổ chức tham gia tài trợ khác để vay số tiền ban đầu 83 triệu USD, cùng với quyền chọn gia tăng khoản vay lên tối đa 225 triệu USD.

Cùng với đó, Masan sẽ ký kết hợp đồng bảo lãnh với BNP Pariobas. Theo đó, Masan bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH The Sherpa – một thành viên của Masan. Hợp đồng bão lãnh này liên quan đến hợp đồng tín dụng mà Sherpa ký với các ngân hàng ngoại để vay số tiền ban đầu quy mô 292 triệu USD, kèm quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 50 triệu USD.

Như vậy, tổng quy mô giá trị 2 khoản vay kể trên đạt tối đa 650 triệu USD. Các thông tin về lãi suất và kỳ hạn các khoản vay mới chưa được công bố.

Masan
Masan huy động thêm 650 triệu USD vốn ngoại. Ảnh minh hoạ

Giữa bối cảnh thị trường vốn trong nước gặp nhiều khó khăn, Masan là trường hợp hiếm hoi thành công trong việc huy động dòng vốn từ thị trường quốc tế. Hồi cuối tháng 11/2022, ông lớn trong ngành hàng tiêu dùng này đã hoàn tất nhận giải ngân gói tín dụng 600 triệu USD (gần 15.000 tỷ đồng) từ 37 bên cho vay. Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài kỳ hạn 5 năm giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Khoản vay bằng USD có lãi suất 2,9%, cộng với lãi suất tham chiếu SOFR (tương đương lãi suất khoảng 6,7% mỗi năm). Biên độ trên lãi suất tham chiếu giảm 35 điểm cơ bản so với khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD từng hoàn thành vào năm 2020.

Việc tăng vay bằng USD có dẫn đến rủi ro ngoại hối lớn hơn trong bối cảnh lãi suất tăng; song Masan cho biết sẽ chủ động theo dõi và đánh giá thời điểm thích hợp để thực hiện các giao dịch phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường và vẫn duy trì chi phí vốn một cách tối ưu.

Bên cạnh việc huy động dòng vốn ngoại, thời gian tới, Masan cũng là một trong số ít doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, tới đây, Masan sẽ phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm. Kỳ hạn là 60 tháng với mức lãi suất cố định 9,5% trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên và lãi suất thả nổi là lãi suất tham chiếu cộng (+) với 3,975%/năm trong các kỳ tính lãi còn lại.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, doanh thu thuần của Masan đạt 76.189 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.754 tỷ đồng; giảm 53% so với năm 2021. Trên cơ sở đó, Masan đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đạt doanh thu từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng; tăng trưởng 18% - và 31% so với thực hiện năm 2022.

Thảo Nguyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục