Vừa bị cắt margin, Gạo Trung An (TAR) dự kiến phát hành gần 8 triệu cổ phiếu trả cổ tức

(Banker.vn) Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, HNX: TAR) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022.

Gạo Trung An dự kiến phát hành 7,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ phân bổ quyền 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được thêm 1 cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện trong quý 3 và 4 sau khi được Uỷ ban chứng khoán chấp thuận. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Gạo Trung An sẽ tăng từ hơn 783 tỷ đồng lên 861 tỷ đồng.

Trong diễn biến liên quan, mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo bổ sung cổ phiếu TAR vào diện không được giao dịch ký quỹ (cắt margin), có hiệu lực từ 18/9 với lý do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2023 soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn.

Vừa bị cắt margin, Gạo Trung An (TAR) dự kiến phát hành gần 8 triệu cổ phiếu trả cổ tức

Vào cuối tháng 8, công ty có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HNX xin gia hạn thời gian công bố BCTC soát xét bán niên đến 30/9. Nguyên nhân là do công ty thực hiện tái cơ cấu nhân sự cao cấp, sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho các đơn vị xuất khẩu và hoàn thiện quy trình mua bán hàng nên ảnh hưởng đến việc cung cấp hồ sơ phục vụ công việc soát xét. Đơn vị kiểm toán cũng cần thêm thời gian tiến hành các thủ tục soát xét, thu thập, đánh giá thêm thông tin liên quan để hoàn thiện báo cáo của công ty.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An hay còn được gọi tắt là Gạo Trung An được thành lập vào tháng 8/1996, tiền thân là Công ty TNHH Trung An. Gần đây, Trung An đã công bố loạt biến động nhân sự cấp cao. Bà Lê Thị Tuyết (sinh năm 1956) sẽ không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT TAR, dù vậy bà vẫn là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.

Ông Phạm Thái Bình (chồng bà Tuyết) từ nhiệm Tổng Giám đốc để làm Chủ tịch HĐQT thay bà Tuyết. Đồng thời, ông Bình cũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc. Hai vợ chồng ông Bình và bà Tuyết là những người đặt nền móng đầu tiên cho Gạo Trung An với vốn điều lệ là 783 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là chế biến và xay xát gạo.

Người được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay ông Bình là bà Nguyễn Lê Bảo Trang (hiện là Thành viên HĐQT). Các quyết định thay đổi nhân sự có hiệu lực từ ngày 17/8.

Hiện, hai con gái của ông Bình - bà Tuyết đều đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại Gạo Trung An, gồm Phạm Lê Khánh Hân là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc và Phạm Lê Khánh Huyền là Kế toán trưởng Công ty. Hai cá nhân này đều không giữ cổ phần nào tại TAR.

Trung An vẫn muốn vay thêm 230 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động

Ngày 6/9 vừa qua HĐQT Trung An đã thông qua phương án vay vốn tại Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Malaysia) với hạn mức 230 tỷ đồng nhằm phục vụ cho việc bổ sung nguồn vốn lưu động. Khoản vay được đảm bảo bằng tài sản của Trung An.

Thời hạn cấp hạn mức là 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng hạn mức. Thời gian vay đối với mỗi khoản vay được giải ngân là không vượt quá 6 tháng, lãi suất áp dụng thỏa thuận theo từng thời kỳ.

Theo ghi nhận của BCTC hợp nhất quý 2/ 2023, tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn của Trung An đạt 2.753 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tổng nợ phải trả của công ty là 1.549 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ vay tài chính là 1.383 tỷ chiếm một nửa nguồn vốn và gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu. Khoản nợ vay của Trung An chủ yếu là ngắn hạn, toàn bộ đều được vay từ các tổ chức Ngân hàng.

Về tình hình kinh doanh, từ đầu năm đến nay, nhiều thông tin tích cực từ thị trường như xuất khẩu gạo thuận lợi, giá gạo thế giới tăng cao nhưng kết quả kinh doanh của Trung An lại diễn biến trái ngược hoàn toàn. Công ty vừa có quý báo lỗ lần đầu kể từ khi lên sàn đến nay.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 111% so với thực hiện cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn mức tăng doanh thu khiến lợi nhuận gộp co hẹp đáng kể, chỉ còn 67 tỷ đồng, tương ứng giảm 26% so với cùng kỳ. Kết quả, Gạo Trung An báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi gần 24 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Trung An ghi nhận doanh thu thuần và lãi gộp lần lượt đạt 2.513 tỷ đồng và 132 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận 606 triệu đồng do chi phí tài chính tăng mạnh lên tới 65 tỷ đồng tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Trung An lên kế hoạch kinh doanh thu 3.800 tỷ đồng, đi ngang; lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 33,5% so với thực hiện năm trước. Như vậy với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, Trung An còn cần nỗ lực rất lớn để về được đích của năm.

Trên thị trường chứng khoán, hưởng lợi từ việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục, cổ phiếu TAR tăng giá rất mạnh từ đầu tháng 7/2023 lên mức cao nhất năm là 23.100 đồng/cp vào phiên 8/8, sau đó quay đầu giảm còn 18.500 đồng/cp (phiên sáng 15/9), giảm 19% so với đỉnh nói trên.

Xuất hiện "sóng" gom hàng - một chu kỳ tăng mới với cổ phiếu ngành lúa gạo

Phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 24/7, ngay khi vừa mở cửa, làn sóng gom hàng đã bắt đầu với nhóm cổ phiếu ngành ...

Nóng chuyện giá gạo, cổ phiếu TAR được đặt kỳ vọng tăng 35%

Trên thị trường, cổ phiếu TAR giá đang tích cực trong xu hướng tăng, những phiên gần đây có xuất hiện điều chỉnh nhưng vẫn ...

Giá gạo liên tiếp tăng cao nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp nhiều thách thức

Trong vòng một tháng trở lại đây, nhiều nước lớn trên thế giới đã bắt đầu cấm xuất khẩu gạo, điều đó làm giá của ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán