Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025, thông tin tới các phóng viên báo chí về việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này hôm 2/4, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết, từ 5/4 Hoa Kỳ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại và áp các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia khác từ ngày 9/4/2025, trong đó có áp thuế 46% đối với Việt Nam.
![]() |
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương thông tin về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam |
Trước thông tin này, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Việt Nam rất quan ngại về quyết định trên của Hoa Kỳ. Việt Nam là một quốc gia luôn kiên trì và nhất quán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ, với WTO đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc, phê duyệt một số dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường cho 13 nhóm hàng mà Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) để giảm thiểu rủi ro chuyển tải bất hợp pháp.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cũng triển khai lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; giải đáp và xử lý các quan ngại của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) nêu trong 6 lĩnh vực cụ thể mà Hoa Kỳ quan tâm: Tiếp cận thị trường; nông nghiệp; ngăn chặn lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; sở hữu trí tuệ, thương mại số; đầu tư; lao động.
![]() |
![]() |
![]() |
Các phóng viên báo chí đặt câu hỏi liên quan đến việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam |
Cũng theo Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh, mức thuế MFN trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do vậy, việc Hoa Kỳ đang đánh giá Việt Nam áp mức thuế 90% lên hàng hóa của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ áp thuế cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại, xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững giữa hai nước.
"Bộ Công Thương mong muốn Hoa Kỳ sẽ thực thi thương mại công bằng, mở rộng thêm các cơ hội thảo luận, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng hướng tới một khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại đảm bảo các lợi ích về thuế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại… phù hợp với lợi ích của cả hai nước" - ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh, ngay sáng ngày 3/4, sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế trên để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang thu xếp cuộc điện đàm ở cấp Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), và Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian tới, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các Bộ ngành liên quan duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp trong tình hình mới phục vụ lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Việt Nam đã sớm có sự chuẩn bị
Thông tin về sự chuẩn bị, ứng phó của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, đây là vấn đề mà Bộ Công Thương cũng đã có dự báo ngay từ khi Tổng thống Trump ra tranh cử.
Đặc biệt, sau khi Tổng thống Trump đắc cử, Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết với lãnh đạo Chính phủ về các phương án, kịch bản xảy ra.
Đối với Chính phủ, Chính phủ cũng đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó Tổ công tác, Thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ thời gian tới, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cục diện đối ngoại thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng và phát triển đất nước.
Thách thức nhưng có thêm cơ hội
Thời gian tới xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các Bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025, trong đó tập trung:
Thứ nhất, tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương: Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, các FTA...
Thứ hai, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới như: Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.
Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bốn là, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.
Năm là, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.
Sáu là, kiến nghị với Chính phủ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Bảy là, Bộ Công Thương nhận định, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời là cơ hội thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Giải pháp, khuyến nghị từ Bộ Công Thương
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, chủ động cập nhật thông tin thị trường. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Liên quan đến giải pháp này, Bộ Công Thương sẽ cùng các cơ quan thương vụ đồng hành cùng các doanh nghiệp để thường xuyên cung cấp thông tin thị trường.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ tư, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu, chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Thứ năm, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại: Nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thường xuyên thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Cũng tại buổi họp báo, thông tin thêm về vụ việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào nước này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu quan điểm, phải hết sức bình tĩnh, để tìm giải pháp kịp thời hóa giải những thách thức.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhắc lại bài viết "Vươn mình trong hội nhập" của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã nêu rõ quan điểm, chủ trương, đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bài viết của Tổng Bí thư nhấn mạnh: "hội nhập quốc tế là hình thức, trình độ phát triển cao của hợp tác quốc tế. Nói cách khác hội nhập quốc tế là "đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại", gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới". Chính vì vậy, trong bối cảnh này, Thứ trưởng đề nghị cần hết sức bình tĩnh để tìm giải pháp phù hợp nhất, hài hòa lợi ích cả hai bên.
Tận dụng FTA để đa dạng hóa thị trường
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí liên quan đến việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như các giải pháp mà Bộ Công Thương triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh giải pháp để đa dạng hoa thị trường xuất khẩu.
Với 17 hiệp định FTA đã ký, Việt Nam là nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất và nhờ đó những năm qua xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng vượt bậc với gần 800 tỉ USD.
Những doanh nghiệp đủ năng lượng được khuyến khích tận dụng thị trường khó tính như Hoa Kỳ và EU, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và lô hàng lớn về xuất khẩu. Thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia Bộ đã hỗ trợ tích cực nhóm doanh nghiệp này.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa ít kinh nghiệm xuất khẩu, bộ hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin thị trường để hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, thị hiếu người dùng. Bộ đã có chương trình đào tạo hướng dẫn thực thi FTA, tổ chức khóa học diễn đàn và hội thảo cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
Để khai thác được các FTA phải đáp ứng quy tắc xuất xứ và bộ đã hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề này. Cùng đó, bộ cũng đẩy mạnh đàm phán FTA với các nước, song không phải nước nào Việt Nam cũng đàm phán FTA. Việc thảo luận đàm phán trên cơ sở nghiên cứu báo cáo khả thi xem có thể mở cửa những mặt hàng gì, giúp doanh nghiệp hưởng lợi.
Thông tin rõ hơn về Công hàm gửi phía Hoa Kỳ, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cho biết, Công hàm của Bộ trưởng Bộ Công Thương là gửi tới người đồng cấp đề nghị hai bên có điện đàm.
Trước đó Bộ trưởng đã có sang Hoa Kỳ với vai trò Đặc phái viên của Thủ tướng, làm việc với các đơn vị liên quan và các bên cũng đã làm việc ở các cấp kỹ thuật. Tới đây hai bên trao đổi thông tin trên cơ sở tiếp tục duy trì mối quan hệ này, khẳng định Việt Nam muốn xây dựng thương mại công bằng, sẵn sàng trao đổi, đàm phán giải quyết vướng mắc bất cập để hài hòa hơn.
Một số nhóm hàng hóa được miễn trừ thuế đối ứng, bao gồm: Nhóm (1): Các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); Nhóm (2): Các mặt hàng thép, nhôm, ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232[1]. Theo đó, mức thuế đã được áp dụng là 25%; Nhóm (3): Các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; Nhóm (4): Các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; Nhóm (5): Kim loại quý; Nhóm (6): Năng lượng và một số khoáng sản Hoa Kỳ không có. |