Vụ nợ 8,5 triệu bị tính lãi hơn 8,8 tỷ: Những điều cần biết khi dùng thẻ tín dụng

(Banker.vn) Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán tiện ích và cũng là một cách xây dựng điểm tín nhiệm của khách hàng với hệ thống ngân hàng.

Quy định cách tính lãi đối với thẻ tín dụng

Với một vụ việc cá nhân được cho là dùng thẻ tín dụng của ngân hàng Eximbank, tiêu dùng số tiền 8,5 triệu đồng, nhưng sau 11 năm, đến nay tổng khoản nợ là khoảng 8,8 tỷ đồng, tức là lãi và gốc cần thanh toán gấp 1000 lần số tiền chi tiêu. Về phía ngân hàng, họ cho biết đã liên hệ, thông báo, đôn đốc khách hàng trả nợ. Còn khách hàng lại phủ nhận rằng họ chưa nhận thông tin này và chưa chi tiêu. Được biết, luật sư – người bảo vệ đại diện của chủ thẻ - ngày hôm nay đã có buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao của Eximbank nhưng chưa có kết luận cuối cùng.

Tính đúng sai của sự việc, cần có thời gian để kết luận và cần kết luận của thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh. Tuy nhiên, không ít người đang dùng thẻ lo lắng liệu mình có vướng nợ giống như trường hợp khách hàng kia? Người chưa dùng thì lo ngại về lãi suất cao như vay tín dụng đen.

Theo chuyên gia, khách hàng trong thời gian dài không trả nợ mà ngân hàng có thể đưa ra con số nợ rất lớn như hiện tại có thể là do cách tính của từng ngân hàng, bao gồm lãi kép, lãi phạt, có thể dẫn đến năm sau cao gấp đôi so với năm trước.

Bà Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Tiểu ban chính sách - Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: "Về quy định cách tính lãi đối với thẻ tín dụng, hiện nay, mỗi ngân hàng sẽ có quy định cụ thể và áp dụng theo biểu phí hoặc hướng dẫn về tính lãi theo hợp đồng ký với khách hàng cũng như trong biểu phí và lãi của ngân hàng. Tuy nhiên, theo thông lệ thị trường cũng như theo Vietcombank, cụ thể chúng tôi áp dụng phương pháp tính lãi trên giá trị giao dịch gốc, không có tình trạng lãi chồng lãi.

Ngoài ra, với thẻ tín dụng là hình thức chi tiêu trước, trả tiền sau và có thời gian ân hạn miễn lãi lên đến 45-55 ngày. Đây là một ưu đãi rất lớn cho khách hàng và khách hàng khi sử dụng thẻ hoàn toàn có thể dựa vào ưu đãi này để tận dụng ứng vốn của ngân hàng mà không phải trả lãi cho ngân hàng. Cụ thể, khách hàng có thể theo dõi bảng sao kê hàng tháng mà ngân hàng gửi và khi khách hàng thanh toán đầy đủ số tiền dư nợ sao kê vào đúng thời hạn thanh toán theo quy định của ngân hàng thì được hoàn toàn miễn lãi cho tất cả giao dịch đã chi tiêu.

Trong trường hợp khách hàng không thanh toán đúng hạn thì sẽ phát sinh lãi và lãi đó đối với Vietcombank nói riêng và các ngân hàng khác, khách hàng có thể theo dõi trên hướng dẫn của ngân hàng. Và thông thường các ngân hàng tính trên giá trị giao dịch gốc, không có tình trạng lãi chồng lãi".

Nhiều khi vấn đề nằm ở các loại phí, bởi riêng việc mở thẻ tín dụng thì khách hàng phải thanh toán các khoản phí như: Phí rút tiền, phí vượt hạn mức từ 3-5%, phí chuyển đổi ngoại tệ khi chi tiêu ở nước ngoài từ 1-3% và phí thường niên Đó là lý do nếu khách hàng có thẻ tín dụng, dù không dùng, vẫn mất tiền phí.

Nếu bạn chậm thanh toán, chỉ sau một ngày, có ngân hàng có thể phạt tỷ lệ phần trăm hoặc vài triệu đồng. Nhưng quan trọng hơn cả, lãi suất khi bạn không thanh toán tất cả số tiền khi đến hạn. Nhiều người chỉ thanh toán một phần, phần còn lại sẽ chịu lãi suất từ 20-30%/năm.

Bà Thanh cho biết thêm: "Đối với thẻ tín dụng ở thị trường Việt Nam cũng như trên thị trường thế giới, có một thông lệ là lãi suất thẻ tín dụng thường cao hơn lãi suất vay tiêu dùng. Vì với thẻ tín dụng, nó vừa là một phương tiện cung cấp tín dụng cho khách hàng, vừa là một phương tiện thanh toán, kèm theo đó ngân hàng cũng cung cấp rất nhiều ưu đãi gắn với sản phẩm thẻ tín dụng.

Cụ thể khách hàng có thể sử dụng thẻ mà ưu đãi miễn lãi lên đến 45 – 55 ngày tùy từng ngân hàng và từng sản phẩm. Ngoài ra, khách hàng được hưởng nhiều ưu đãi khi sử dụng thẻ như chiết khấu hàng hóa trực tiếp khi mua hàng hóa bằng thẻ hoặc được hoàn tiền trên các giao dịch chi tiêu.

Ngoài ra, khác với hình thức cho vay thông thường là khách hàng phải trả lãi ngay từ thời điểm ngân hàng giải ngân thì đối với thẻ tín dụng, khách hàng có thể tận dụng khoản ứng vốn của ngân hàng để thực hiện thanh toán chi tiêu và có các biện pháp để tránh các khoản phí lãi phát sinh".

Nói về vấn đề lãi suất thẻ tín dụng không hề giảm, bà Thanh chia sẻ thêm, các ngân hàng phải bỏ rất nhiều chi phí để ứng vốn cho khách hàng. Trong trường hợp khách hàng thanh toán đúng hạn, ngân hàng hoàn toàn không thu được chi phí ấy. Ngoài ra, đây cũng là một sản phẩm thanh toán để cung cấp ưu đãi cho khách hàng thông qua các hình thức hoàn tiền hoặc chiết khấu khi chi tiêu, thanh toán hàng hóa dịch vụ. Cho nên, ngân hàng cũng cần có nguồn thu để đảm bảo bù đắp những khoản chi phí đó.

Vụ nợ 8,5 triệu bị tính lãi hơn 8,8 tỷ: Những điều cần biết khi dùng thẻ tín dụng - Ảnh 1.
Tiêu dùng bằng thẻ tín dụng trở thành một thói quen hàng ngày

Quy định về trả chậm nợ thẻ tín dụng

Lãi suất cao, chậm trả nợ khiến cho một số khách hàng lâm vào tình trạng trả mãi không xong và nếu không trả thì sẽ rơi vào nợ xấu. Tại Mỹ, nơi tiêu dùng bằng thẻ tín dụng đã trở thành một thói quen hàng ngày thì những quy định về việc xử lý trả chậm nợ thẻ tín dụng cũng rất rõ ràng.

Trách nhiệm của phía ngân hàng là gửi các thông tin từ lúc chi tiêu đến khi nợ trả chậm tới khách hàng. Còn trách nhiệm của khách là trả nợ đúng hạn. Nếu không trả, họ phải đối mặt với nhiều hậu quả khó lường.

Tuỳ vào các điều khoản ký giữa ngân hàng và khách mà khoản trả chậm sẽ phải chịu những mức phí và phạt khác nhau. Trong trường hợp người dùng thẻ trả chậm quá hai tháng sẽ có nhiều thông báo cảnh báo về khoản nợ mà họ phải trả. Đồng thời mức lãi suất hàng năm cao hơn có thể được áp dụng cho khoản nợ này (có khi lên tới 30%).

3 tháng sau mà người vay không trả nợ tối thiểu, bên phát hành thẻ có thể đóng tài khoản, chuyển khoản nợ sang cho một công ty thu hồi nợ nào đó. Khi nợ rơi vào tay bên thứ 3, người dùng thẻ có thể phải chịu thêm nhiều khoản phí khác. Vì thế, tổng số tiền phải trả sẽ cao hơn so với số tiền nợ ban đầu.

Đến lúc này, nếu người vay vẫn "cứng đầu" không trả, bên thu hồi nợ có thể khởi kiện. Và nếu người đi vay không có mặt để điều trần, họ có thể bị siết nợ bằng lương hoặc các tài sản thế chấp khác. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra tuần tự và có thông báo đầy đủ, nên người vay không bị bất ngờ hay lâm vào tình cảnh như bị "đánh úp".

Với người tiêu dùng Mỹ, để nợ mới phát sinh thêm đã là đáng ngại nhưng điểm tín dụng tiêu dùng bị hạ còn đáng ngại hơn. Nếu một người quên thanh toán nợ thẻ dù chỉ một lần thì nó sẽ được đưa vào lịch sử tín dụng của họ và phải mất 7 năm sau mới được xoá. Khi điểm tín dụng thấp, họ sẽ rất khó vay tiền mua nhà, mua xe hay vay cho các chi tiêu quan trọng khác.

Đôn đốc thanh toán, khóa thẻ, khởi kiện, quá trình này diễn ra tuần tự và có thông báo đầy đủ và khách hàng không quá bị bất ngờ. Ở Việt Nam, có những người bị lấy chứng minh thư nhân dân, lấy email lập ra một thẻ tín dụng mà họ không hề hay biết.

Liên quan đến xác thực khách hàng, bà Thanh chia sẻ: "Đây là trách nhiệm của ngân hàng phát hành thẻ cho khách hàng. Có thể khâu thẩm định, xác thực khách hàng cũng có tình trạng chưa làm kỹ và làm việc thông qua một bên thứ ba nên việc xác thực không được chuẩn chỉ theo quy định thông lệ của ngân hàng.

Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Đề án 06 liên quan đến ứng dụng căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử. Đây là một nguồn dữ liệu rất quan trọng hỗ trợ rất lớn cho ngân hàng trong việc xác thực khách hàng. Trong thời gian tới, đây cũng là sự hỗ trợ cho các ngân hàng để việc xác thực khách hàng trong việc thẩm định cũng như cấp tín dụng cho khách hàng được chuẩn chỉ hơn và tránh các tình trạng giả mạo đã xảy ra".

Đối với khách hàng chây ì không thanh toán nợ, bà Thanh tư vấn: "Các ngân hàng đều có quy trình liên quan đến việc nhắc nợ và thu hồi nợ của khách hàng và cũng có những bước tùy theo mức độ, thời gian trả nợ chậm hay lâu dài đến một mức độ nhất định nào đó, thì sẽ có bước ứng xử tương ứng.

Tuy nhiên, có tình trạng ngân hàng không thể liên hệ được khách hàng và khách hàng cố tình chây ì không thanh toán, những trường hợp ấy rất khó cho ngân hàng trong việc xử lý. Cũng có trường hợp ngân hàng phải khởi kiện để xử lý những tình huống mà khách hàng không thanh toán. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề mà khách hàng phải lưu ý vì việc này sẽ ảnh hưởng đến việc chấm điểm tín dụng của khách hàng, nó sẽ lưu trên hệ thống và sau này sẽ rất khó cho khách hàng trong việc xin cấp một khoản tín dụng mới".

Tối ưu chi phí nhờ thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng, tiêu trước trả sau đã và đang là xu hướng tại Việt Nam và góp phần vào việc tăng thanh toán không tiền mặt đến hơn 50% trong năm 2023. Với cả cá nhân và doanh nghiệp, nếu sử dụng hiệu quả thì không chỉ giúp giảm chi phí mà còn sinh lời từ việc hoàn tiền cho mỗi lần thanh toán.

Chị Hà Thị Cẩm Nhung - Quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Khi sử dụng thẻ tín dụng thường có chương trình hoàn tiền, tích điểm để khách có cơ hội nhận quà từ chương trình ưu đãi này".

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại chỉ ra ưu điểm của thẻ tín dụng khi ra nước ngoài: "Tôi chọn ngân hàng có tỷ giá ngoại tệ thấp để dùng thẻ đó đi ra nước ngoài. Tôi có thể dùng để mua sắm ở các siêu thị, không phải mang quá nhiều tiền mặt, đó cũng là một yếu tố giúp tôi đảm bảo được rủi ro về mặt quản lý tiền mặt khi ở nước ngoài".

Về phía các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Thư - Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Gia Ân cho biết:"Thẻ doanh nghiệp có tiện ích là nó đã đứng tên doanh nghiệp của mình, mình đăng ký để lấy chi phí quảng cáo đưa về chi phí công ty. Đó là điều rất thuận lợi cho doanh nghiệp".

Cũng như vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn - Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Nam Hà Nội cho biết, với thẻ, doanh nghiệp có thể uỷ quyền cho nhân viên khi đi công tác mà không cần phải tạm ứng công tác phí và sử dụng thẻ được ủy quyền để sử dụng chi tiêu ở nước ngoài và hoàn toàn kiểm soát được dòng chi tiêu này.

Theo bà Thanh, thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán tiện ích không cần tiền mặt và cũng là một cách xây dựng điểm tín nhiệm của khách hàng. Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, nếu khách hàng thanh toán đầy đủ, đúng hạn thì điểm hành vi, điểm tín dụng sẽ được lưu trên hệ thống và được ghi nhận. Sau đó, trong tương lai, nếu khách hàng có nhu cầu tài chính khác nhau phục vụ mua nhà, mua ô tô, các khoản vay đó dựa trên điểm tín nhiệm xây dựng được từ quá trình sử dụng thẻ tín dụng nên khách hàng có thể đăng ký khoản vay lớn hơn để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân của mình.

Để không chậm thanh toán, hãy thanh toán đúng hạn. Còn nếu khách hàng muốn biết mình có đang quên thanh toán ở thẻ nào, có nợ xấu ở ngân hàng nào hay không, thì có thể kiểm tra tại đường dẫn https://cic.gov.vn - địa chỉ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) hoặc tải ứng dụng iCIC để tự kiểm tra trên di động của mình, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, tránh các rủi ro không đáng có, để thẻ tín dụng thực sự là một công cụ tài chính hiệu quả và tăng xếp hạng tín dụng của bản thân với hệ thống ngân hàng.

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ