Vụ nghi bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng: Cần xử lý nghiêm

(Banker.vn) Vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng cơ quan chức năng đã vào cuộc và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
TP. Hồ Chí Minh: Công an vào cuộc vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng Vụ nghi bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Hội bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh lên tiếng

Theo như báo chí phản ánh, Mái ấm Hoa Hồng là một cơ sở mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi, có địa chỉ tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh, do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ, mở cửa từ 8h - 20h hàng ngày, để nhà hảo tâm đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện.

Mái ấm Hoa Hồng nuôi dưỡng khoảng 100 trẻ em mồ côi, được chia thành 3 nhóm: trẻ sơ sinh (lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi), trẻ từ 1 - 2 tuổi và trên 2 tuổi. Trong đó, phòng trẻ sơ sinh của mái ấm có khoảng 20 trẻ, bé lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi, nhỏ nhất chưa đầy 1 tháng tuổi.

Bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng: Trách nhiệm không của riêng ai
Báo chí phản ánh nhiều trẻ bị bạo hành dã man tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: CAND

Sau thời gian mở cửa để nhà hảo tâm đến thăm trẻ và đóng góp từ thiện thì Mái ấm Hoa Hồng bị phản ánh như "địa ngục trần gian". Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Qua kiểm tra bước đầu, cơ quan chức năng ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng có khoảng 80 trẻ, vượt quá số lượng so với giấy phép hoạt động 39 trẻ (giấy phép do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12 cấp).

Hiện nay, Công an cũng như nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc, song dư luận vẫn rất bức xúc vì đây không phải lần đầu tiên một cơ sở mang ý nghĩa “mái ấm tình thương” nhưng lại hành hạ trẻ em vô nhân tính; đồng thời đặt câu hỏi: Vì sao vẫn còn nhiều trẻ bị bạo hành, và khi nào mới chấm dứt được vấn nạn trên? Trong khi, công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết đều đóng góp tích cực vào những mái ấm tình thương.

Câu hỏi này không gửi riêng một cơ quan chức năng nào, bởi theo Luật Trẻ em 2016, tại Việt Nam đang 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau, gồm: Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp, Quốc hội, cùng các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam...

Tuy vậy, mỗi khi có vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra, thông thường do báo chí và cộng đồng phát hiện, phản ánh. Bên cạnh đó, câu trả lời dư luận nhận được từ những người trực tiếp có trách nhiệm cho đến đại diện cơ quan chức năng "sẽ xác minh, điều tra làm rõ" vụ việc.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên VOV giao thông, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) – chia sẻ: “Vấn đề 17 tổ chức liên quan đến bảo vệ trẻ em không chỉ là con số. Điều chúng ta cần nhấn mạnh là pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016 hay Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, trách nhiệm của chính quyền các cấp liên quan đến việc bảo vệ trẻ em. Khi một vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, chúng ta có thể chỉ rõ được cơ quan nào có trách nhiệm khi nào và ở đâu, như thế nào đối với việc bảo vệ trẻ em…”.

Ông Đặng Hoa Nam cũng bày tỏ quan ngại hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như các trung tâm công tác xã hội ở cấp tỉnh và cấp huyện đang có những biến động theo chiều hướng bất lợi.

Đồng quan điểm với Cục trưởng Cục Trẻ em, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân tái diễn những sự việc đau lòng như trên là do chế tài đối với hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, chưa có quy định chi tiết trong hoạt động giám sát và xử lý hành vi bạo lực với trẻ em. Do đó, đối với những vụ bạo hành trẻ cần phải xử lý mạnh tay. Đồng thời cần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về quyền trẻ em và những hậu quả nghiêm trọng đối với những hành vi khiến trẻ em bị tổn thương.

Theo khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016: Người có hành hành vi bạo hành trẻ em trong mái ấm tình thương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em.

Cụ thể, Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có mức hình phạt tù từ 1 - 3 năm. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em (điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015) có mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tội vô ý làm chết người (theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015) nêu rõ "Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1 -5 năm; phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm". Tội giết trẻ em (điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015) có hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký Công điện số 02/CĐ-BLĐTBXH đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: Khẩn trương, kiểm tra xác minh vụ việc do Báo Thanh Niên phản ánh và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên theo quy định của Nghị định số 56/2017/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Thực hiện công tác điều tra, xử lý kip thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở nêu trên và các cơ sở khác có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 103/2017/NÐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các quy định khác của pháp luật về chăm sóc thay thế, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và hướng dấn của cơ quan có thẩm quyền.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục