Vũ khí nào giúp EU giải quyết vấn đề ‘tẩy xanh’ của doanh nghiệp?

(Banker.vn) Với Chỉ thị cam kết xanh, Hội đồng EU kỳ vọng giải quyết vấn đề ‘tẩy xanh’ của doanh nghiệp giúp các tiêu chuẩn về xanh hóa thực chất hơn.
Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA Việt Nam là một trong 3 điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp EU

Dẫn tin từ Hội đồng EU, Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin, Hội đồng EU đã thông qua lập trường về cách tiếp cận chung về Chỉ thị cam kết xanh nhằm giải quyết vấn đề ‘tẩy xanh’ (greenwashing) của các doanh nghiệp và giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định thực sự “xanh hơn” khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ.

Theo Hội đồng EU, người tiêu dùng cần các tuyên bố về môi trường đáng tin cậy, có thể so sánh và kiểm chứng được để đưa ra những quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy hơn một nửa số tuyên bố về môi trường cung cấp thông tin mơ hồ, gây hiểu lầm hoặc không có căn cứ.

Trong một cuộc khảo sát Eurobarometer gần đây, 90% người EU đồng ý rằng nên có các quy tắc nghiêm ngặt hơn để tính toán tác động môi trường và tuyên bố về môi trường liên quan.

Vũ khí nào giúp EU giải quyết vấn đề ‘tẩy xanh’ của doanh nghiệp?
Chỉ thị cam kết xanh kỳ vọng giải quyết vấn đề '‘tẩy xanh’' của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Chỉ thị cam kết xanh là tiếp nối của Thỏa thuận Xanh EU nhằm giải quyết các tuyên bố môi trường sai sự thật ở cấp EU. Mục tiêu là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và sạch ở EU. Chỉ thị này đóng góp vào mục tiêu chung là đạt được sự trung hòa về khí hậu ở EU vào năm 2050.

Theo đó, Chỉ thị cam kết xanh đặt ra các yêu cầu tối thiểu cho việc chứng minh, truyền đạt và xác minh các tuyên bố vì môi trường rõ ràng.

Đề xuất mới này đặc biệt nhắm vào các tuyên bố về môi trường bằng văn bản hoặc lời nói và nhãn dán về môi trường mà các công ty sử dụng khi tiếp thị về “sản phẩm xanh”. Đồng thời, áp dụng cho các kế hoạch “nhãn môi trường” trong hiện tại và tương lai.

Phương pháp tổng quát mà Hội đồng EU đưa ra xác định rõ ràng sự khác biệt giữa các tuyên bố về môi trường và nhãn môi trường (nhãn dán, biểu tượng thể hiện thông tin về môi trường), nhằm xác định rõ ràng các nghĩa vụ, trách nhiệm mà các tổ chức, doanh nghiệp phải tuân theo cho từng loại, bao gồm các yêu cầu chung áp dụng cho cả hai.

Hội đồng EU cho rằng các tuyên bố về sản phẩm xanh cần rõ ràng và được dựa trên bằng chứng. Hơn nữa, tuyên bố và nhãn dán môi trường nên rõ ràng và dễ hiểu, với một tham chiếu cụ thể đến các đặc điểm môi trường được đề cập (chẳng hạn như độ bền, khả năng tái chế hoặc đa dạng sinh học).

Chỉ thị cam kết xanh duy trì nguyên tắc cơ bản của việc xác minh trước các tuyên bố môi trường và nhãn dán môi trường. Điều này có nghĩa là bất kỳ tuyên bố xanh nào cũng phải được xác minh bởi các chuyên gia độc lập của bên thứ ba trước khi được công bố.

Theo chỉ thị này của EU, các kế hoạch dán nhãn sinh thái EN ISO 14024 loại 1 sẽ được miễn xác minh nếu được công nhận chính thức tại một quốc gia thành viên và tuân thủ các quy tắc mới. Việc công nhận bởi một quốc gia thành viên sẽ áp dụng cho toàn bộ thị trường EU.

EU cũng đưa ra yêu cầu mới để chứng minh các tuyên bố liên quan đến khí hậu, bao gồm cả những tuyên bố liên quan đến tín chỉ carbon.

Chỉ thị cam kết xanh hứa hẹn sẽ đơn giản hóa các hướng dẫn trong khi yêu cầu công ty thực hiện cam kết của họ bằng những bằng chứng vững chắc, đặt ra các tiêu chuẩn mới về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng các cam kết và nhãn hiệu vì môi trường và giúp công ty chứng minh hành động thực sự về khí hậu.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương