Vụ Gilimex kiện Amazon: Không ít lần 'chiến thắng' nghiêng về doanh nghiệp Việt

(Banker.vn) Vụ kiện trị giá 280 triệu USD giữa doanh nghiệp dệt may Việt Nam - Gilimex và "gã khổng lồ" Amazon đang gây xôn xao dư luận. Trong tiền lệ, từng có nhiều doanh nghiệp Việt cũng chọn giải quyết các tranh chấp với các đối tác nước ngoài bằng con đường pháp lý, và không ít lần đã thắng kiện.

Sự thoái lui của nhà sáng lập Lê Viết Hải và loạt vấn đề tài chính tồn đọng tại Hòa Bình

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc doanh nghiệp may và dệt gia dụng hàng đầu TP.HCM, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) quyết định khởi kiện Amazon do vi phạm những cam kết mà hai bên đã thỏa thuận.

Nội dung đơn kiện Gilimex nộp lên tòa án New York ngày 12/12 cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn hàng. Việc này khiến Gilimex gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Hãng tin Bloomberg đưa tin vụ kiện này trị giá 280 triệu USD và hiện Amazon vẫn chưa có phản hồi về sự việc.

Theo đánh giá của Luật sư Châu Huy Quang - thành viên Tòa trọng tài Quốc tế ICC tại VN, việc Gilimex kiện "gã khổng lồ" công nghệ này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chủ động, sòng phẳng hơn. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp Việt đâm đơn kiện các đối tác nước ngoài, và cũng có không ít lần thắng kiện.

Chẳng hạn trường hợp Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty CP Tài nguyên Masan) đã thắng kiện 130 triệu USD từ Jacobs Group - một đối tác của họ tại Mỹ, tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng theo phán quyết của hội đồng trọng tài do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore chỉ định.

Vụ kiện này liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị giữa Núi Pháo và Jacobs vào năm 2011 phục vụ dự án Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên. Dây chuyền chế biến này hoàn thành trong năm 2015 và 2016.

Do có tranh chấp, phía Núi Pháo đã đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore ngày 30/9/2015. Hai bên đã có 3 tuần điều trần, kết thúc ngày 15/12/2017.

Như một phần của thỏa thuận dàn xếp, sau khi nhận khoản bồi thường 130 triệu USD, Núi Pháo đã chấm dứt vô điều kiện việc thực hiện các quyền theo Phán quyết chung thẩm từng phần cùng tất cả các yêu cầu và hành động liên quan đến vụ kiện.

Khoản tiền dàn xếp vụ kiện tại hội đồng trọng tài quốc tế thời điểm đó đã giúp Masan lãi đậm, đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận của Masan sau 9 tháng năm 2019. Đại diện Masan nhận định tranh chấp pháp lý với Jacobs là một “phép thử” của Masan Núi Pháo trong việc trở thành một công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Gilimex kiện Amazon
Trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp Việt đã chọn con đường pháp lý để giải quyết tranh chấp với các đối tác nước ngoài và thắng kiện. Ảnh minh hoạ

Ít lâu sau, một doanh nghiệp Việt khác là Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) tiếp tục thắng vụ kiện hơn 2.000 tỷ với tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc (gọi tắt là đối tác Trung Quốc).

Cụ thể, tháng 11/2019, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã có quyết định về việc huỷ hoàn toàn phán quyết trọng tài ngày 10/4/2019 của Hội đồng trọng tài buộc VSH phải bồi thường số tiền hơn 2.163 tỷ đồng cho đối tác Trung Quốc.

Mâu thuẫn giữa hai bên liên quan tới dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Xuất phát từ nguyên nhân đối tác Trung Quốc không thực hiện đúng tiến độ thi công như đã cam kết, buộc VSH phải đình chỉ hợp đồng và tịch thu khoản bảo lãnh.

Dự án đã được tiến hành khởi công từ năm 2009, nhưng do chậm tiến độ, đã đội vốn từ giá trị đầu tư ban đầu là 5.744 tỷ đồng, đến năm 2015 điều chỉnh lên đến 7.408 tỷ đồng.

Sau đó, phía đối tác Trung Quốc dừng công việc do cho rằng chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, còn VSH ngược lại cho rằng nhà thầu vi phạm nghiêm trọng hợp đồng do chậm trễ thi công. Đối tác Trung Quốc kiện VSH lên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và tháng 4/2019 được VIAC tuyên thắng kiện, buộc VSH phải thanh toán và bồi thường 2.163 tỷ đồng.

Không chấp nhận với phán quyết của VIAC, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) - doanh nghiệp sở hữu 21,01% vốn của VSH thời điểm đó đã kháng cáo lên TAND TP Hà Nội và nhận được phán quyết nêu trên.

Lùi về xa hơn, năm 2014, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama, UPCOM: LLM) đã thắng kiện Tập đoàn Power Machinery (Liên bang Nga), buộc tập đoàn này và bên liên quan là Ngân hàng Ngoại thương Nga phải thanh toán 4,2 triệu USD.

Đây là trường hợp hiếm hoi khi một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam thành công trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng tại nước ngoài để yêu cầu một ngân hàng nước ngoài thanh toán khoản tiền bảo lãnh với giá trị lớn như vậy.

Sự việc bắt đầu từ năm 2003, Lilama được giao Tổng thầu EPC gói thầu thiết bị công nghệ chính Dự án nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Giá trị hợp đồng EPC gần 300 triệu USD (quy đổi). Để thực hiện hợp đồng này, Lilama thuê lại một số nhà thầu phụ trong và ngoài nước, trong đó có Tập đoàn Power Machinery.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Lilama và Power Machinery có tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh. Power Machinery đề nghị Lilama thanh toán một số tiền phát sinh và hỗ trợ khác. Lilama không chấp nhận, tháng 10/2010 Power Machinery đơn phương chấm dứt hợp đồng và khởi kiện Lilama ra TAND TP Hà Nội, đề nghị Tòa buộc Lilama thanh toán tiền và công nhận chấm dứt hợp đồng giữa Lilama và Power Machinery.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán