Vụ chê sữa trái cây, khen sữa cô gái Hà Lan: Hiệp hội sữa kêu cứu trước nạn 'truyền thông bẩn'

(Banker.vn) Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, việc chê sữa trái cây với các cụm từ “sữa thật”, “thật" – "giả” là không chính xác, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Từ việc chê sữa trái cây khuyên dùng cô gái Hà Lan, lộ thêm nhiều vi phạm của Bác sĩ Huy Loạt người mặc blouse chê sữa trái cây, khuyên dùng cô gái Hà Lan xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội

Chiêu trò "sữa thật" - truyền thông có bị "dắt mũi"?

Ngày 30/10, Hiệp hội Sữa Việt Nam có Văn bản số 82/CV-HHS, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phản ánh việc một số phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có các bài viết về sữa có thông tin chưa chính xác.

Cụ thể, theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có các bài viết tuyên truyền về sữa, trong đó có sử dụng cụm từ “sữa thật” và có trích dẫn nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).

Vụ chê sữa trái cây, khen sữa cô gái Hà Lan: Hiệp hội sữa kêu cứu trước nạn 'truyền thông bẩn'
Việc chê sữa trái cây và khuyên dùng sữa cô gái Hà Lan là chưa phù hợp với quy định của pháp luật

Sau khi đọc nội dung các bài viết, Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, những bài viết có nội dung chưa chính xác, không đúng với bản chất sản phẩm, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành sữa.

Cụ thể, Hiệp hội Sữa Việt Nam dẫn chứng một số bài viết đã phản ảnh sản phẩm “sữa trái cây” đang lưu hành trên thị trường có hàm lượng đạm (protein) thấp hơn quy định QCVN 5-1:2010/BYT.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, QCVN 5-1:2010/BYT chỉ áp dụng cho các sản phẩm sữa dạng lỏng như sữa tươi (nguyên chất) thanh trùng, sữa tươi (nguyên chất) tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc (sữa đặc), sữa cô đặc (sữa đặc) có bổ sung chất béo thực vật.

“Sản phẩm "sữa trái cây” trên thị trường Việt Nam là sản phẩm có tên gọi thực phẩm bổ sung hay thức uống dinh dưỡng có bổ sung thành phần sữa, dịch chiết/nước ép trái cây, ca cao… Các chỉ tiêu chất lượng của “sữa trái cây” không áp dụng theo QCVN 5-1:2010/BYT. Do đó, việc đăng tải nội dung “sữa thật” phải là sữa đủ chuẩn đạm (protein) 2,7 gram theo QCVN 5-1:2010/BYT là chưa chính xác với tên gọi quy định tại QCVN”, Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết.

Tiktok có tiếp tay cho quảng bá sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng?

Hiệp hội Sữa Việt Nam dẫn chứng một số bài đăng trên trang Tiktok như “Mẹ cần phân biệt sữa thật để nuôi con, còn một số sữa trái cây đề giải khát"; “Dễ nhầm lẫn nước giải khát có chứa sữa là sữa thật"; cụm từ “bẫy dinh dưỡng”… và khẳng định, việc chỉ đánh giá một chỉ tiêu độ đạm (protein) để quy chiếu cho “thật” - “giả” đối với sản phẩm là không hợp lý.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, việc truyền thông mang tính dẫn dắt, so sánh các sản phẩm sữa theo QCVN 5-1:2010/BYT là “sữa thật” đang gián tiếp gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng rằng các dòng sản phẩm khác có chứa sữa, có bổ sung vi chất theo thực phẩm bổ sung hay được gọi là thức uống dinh dưỡng (có độ đạm dưới 2,7 gram) là hàng giả.

Sữa trái cây không phải là sữa giả, là hàng hoá tuân thủ đúng pháp luật và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng

Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp chế biến sữa Việt Nam cũng như quốc tế đã và đang sản xuất theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm có chứa sữa đề phù hợp với thị hiếu và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Các sản phẩm thức uống dinh dưỡng này ngoài thành phần sữa, còn có thể được bổ sung dịch trích từ các loại hạt như: Đậu nành, óc chó, hạnh nhân hay trái cây,...

“Những sản phẩm này doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế theo đúng quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Người tiêu dùng, đặc biệt các bà mẹ, khi mua sản phẩm sữa, sản phẩm có chứa sữa cần lưu ý về nguồn gốc sản phẩm, cũng như thành phần của sản phẩm để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng...”, Hiệp hội Sữa Việt Nam khuyến cáo.

Từ đó, Hiệp hội Sữa Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thận trọng trong việc truyền thông để người dân hiểu đúng về vai trò công dụng của các sản phẩm sữa, sản phẩm có chứa sữa một cách khoa học, đúng quy định, không nên dùng từ “sữa thật” khiến dư luận hiểu nhầm sản phẩm có chứa sữa khác là hàng giả, gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp ngành sữa.

Liên quan tới nội dung này, trước đó, Báo Công Thương đã có nhiều bài phản ánh việc trên các nền tảng mạng xã hội thời gian gần đây bỗng xuất hiện hàng loạt người tự xưng là bác sĩ, dược sĩ chê bai sữa trái cây, khuyên người dân dùng sữa cô gái Hà Lan kèm những nhận định không chính xác, sai sự thật. Sau khi Báo Công Thương bóc mẽ, các trường hợp này đã nhanh chóng xóa các video đã đăng tải. Nhiều ý kiến bạn đọc kiến nghị, Báo nên tiếp tục làm sáng tỏ sự việc và tổ chức hội thảo, toạ đàm mời các chuyên gia, nhà quản lý và cơ quan chức năng để đấu tranh với nạn "truyền thông bẩn", góp phần làm trong sạch thị trường sữa, cạnh tranh lành mạnh theo đúng Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng là hai đạo luật thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý.

Phong Vân

Theo: Báo Công Thương