VPBank (VPB) được kỳ vọng bán 15% cổ phần cho đối tác ngoại với giá cao hơn 11-17% thị trường

(Banker.vn) Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng giao dịch bán 15% cổ phần của VPBank (VPB) sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2022 và số cổ phần được định giá cao hơn 11-17% so với giá thị trường.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam mới đây có báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã chứng khoán: VPB) cho biết ngân hàng dự kiến bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua chào bán riêng lẻ trong năm 2022.

Đến nay, những thông tin liên quan đến các nhà đầu tư, định giá, hoặc khi nào (nếu thương vụ thực sự xảy ra) vẫn chưa được công bố chi tiết. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng giao dịch này sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2022 và số cổ phần được định giá cao hơn 11-17% so với giá thị trường.

Số cổ phần được định giá cao hơn 11-17% so với giá thị trường (Nguồn: Yuanta Việt Nam)

Nếu VPB có thể bán cổ phần với mức giá trên, tỷ lệ CAR ước tăng khoảng 20%, đây có thể là mức cao nhất ngành. Tỷ lệ CAR cao sẽ hỗ trợ cho kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên sẽ gây áp lực lên ROE. Với nguồn vốn dồi dào, việc sử dụng nguồn vốn như thế nào sẽ là yếu tố cần được xem xét.

Trong báo cáo lần này, Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ VPB có thể đạt 14.626 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ), với động lực thúc đẩy chính là sự gia tăng dự báo của thu nhập phí và giảm chi phí hoạt động.

Như dự kiến, VPB và AIA đã quyết định gia hạn thỏa thuận bancassurance độc quyền lên thành 19 năm (so với thời hạn cũ là 15 năm) hồi tháng 3. Mặc dù chi tiết thông tin về giá trị của thỏa thuận này vẫn chưa được công bố, nhưng rõ ràng khoản phí ghi nhận trước sẽ thúc đẩy thu nhập phí của VPB.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng VPB sẽ tiếp tục tăng dự phòng trong năm 2022 do nợ xấu được công bố có thể sẽ tăng trong tương lai. Đây rõ ràng là một chiến lược thận trọng, xét từ góc độ quản trị rủi ro hoạt động cũng như góc độ định giá đối với cổ phiếu.

Dự phòng cao hơn sẽ làm tăng tỷ lệ bao phủ của ngân hàng, nhưng với kỳ vọng nợ xấu cũng có thể sẽ gia tăng trong năm 2022, Yuanta cho rằng các nhà đầu tư nên xem xét các số liệu này một cách cẩn trọng khi ước tính định giá của cổ phiếu. Chi phí tín dụng ước đạt 21.500 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) trong năm 2022.

Biểu đồ tăng trưởng tín dụng của VPBank (Nguồn: Yuanta Việt Nam)

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng kỳ vọng đạt 21% trong năm 2022. Nguồn vốn của VPB sẽ tăng mạnh (có thể đạt mức cao nhất ngành ngân hàng Việt Nam) sau khi hoàn tất thoái vốn FE Credit và tiềm năng từ việc bán vốn cho đối tác nước ngoài trong năm 2022. Chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp VPB nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản bảo đảm của VPBank vẫn là mối lo ngại chính do đại dịch tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng.

Tuy nhiên, rủi ro của VPBank đối với mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản đảm bảo đã giảm đi một nửa sau khi ngân hàng bán 49% cổ phần của FE Credit cho Sumitomo Mitsui vào năm ngoái.

Theo quan điểm của Yuanta, các ngân hàng có liên quan tới mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản đảm bảo (như VPBank, HDBank và MB) có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất dưới tác động của đại dịch. VPBank có thể bị tác động nhiều hơn đáng kể so với HDBanl và MB do VPBank có tỷ trọng mảng tài chính tiêu dùng cao hơn.

Xét về mặt tích cực, chuyên gia cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã đi qua khi câu chuyện phục hồi của nền kinh tế vĩ mô tại Việt Nam đang dần trở rõ ràng hơn thông qua các số liệu vĩ mô.

Hơn nữa, VPB đã giảm một nửa tỷ lệ sở hữu tại FE Credit sau khi bán 49% cổ phần cho Sumitomo Mitsui trong năm 2021, điều này giúp làm giảm rủi ro do tác động đến từ mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản đảm bảo.

Hồng Giang

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán