VPBank lọt top 20 DN niêm yết có chỉ số VNSI cao nhất thị trường

(Banker.vn) Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lọt top 20 công ty có cổ phiếu trong danh mục Chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI) cao nhất thị trường trong kỳ đánh giá tháng 7/2020.

Theo kết quả công bố, điểm số đánh giá VPBank trên tất cả các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị đều cao hơn so với điểm số trung bình của ngành và trung bình của VN100. Đáng lưu ý, đây là năm thứ 2 liên tiếp VPBank đạt được kết quả này.

Đánh giá phát triển bền vững (PTBV) là chương trình được HOSE xây dựng với mục tiêu thúc đẩy hoạt động đầu tư trách nhiệm của các công ty niêm yết và đo lường hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán thông qua Chỉ số bền vững nhằm tôn vinh các doanh nghiệp bền vững. Chỉ số Phát triển Bền vững - VNSI là chỉ số giá bao gồm 20 cổ phiếu thuộc VN100 có tính PTBV tốt nhất được sàng lọc chặt chẽ thông qua các điều kiện: là thành phần của VN100 (đáp ứng các yêu cầu về tư cách cổ phiếu, thanh khoản, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và vốn hóa); không thuộc các ngành nghề thuộc danh sách không mang tính bền vững theo Quy tắc xây dựng và Quản lý bộ chỉ số HOSE-Index và có kết quả đánh giá PTBV cao nhất.

Việc đánh giá hoạt động PTBV được HOSE thực hiện dựa trên các nguồn thông tin được doanh nghiệp công bố rộng rãi và thông qua Bảng khảo sát PTBV bao gồm hơn 100 tiêu chí cụ thể, xây dựng dựa trên nền tảng GRI Standards của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu, các Nguyên tắc Quản trị công ty của G20/OECD năm 2015, Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất 2019 và một số quy định pháp luật về chứng khoán tại Việt Nam. Kết quả đánh giá được bên thứ ba độc lập là Công ty TNHH PwC Việt Nam soát xét, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao.

Kết quả đánh giá bền vững được HOSE công bố đã phản ánh chính xác những nỗ lực của VPBank trong thời gian qua nhằm góp phần loại bỏ các dự án có tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội (MT&XH), thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, giảm thiểu dấu chân sinh thái và chống biến đổi khí hậu. Hiểu được vai trò trung gian và tầm ảnh hưởng đến các ngành khác trong việc đạt được các mục tiêu bền vững, VPBank đã lồng ghép tính bền vững vào chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Ngân hàng, từng bước giải quyết các thách thức xã hội, môi trường và tham gia vào nhiều hoạt động bền vững.

Chia sẻ về kết quả này, đại diện lãnh đạo VPBank cho biết, “Chúng tôi cho rằng PTBV là trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. VPBank nhận thức sâu sắc về việc chịu trách nhiệm cho những tác động đến môi trường, kinh tế và xã hội do mình tạo ra trong toàn bộ chuỗi giá trị. VPBank cam kết lựa chọn khách hàng tuân thủ pháp luật về môi trường và các nguyên tắc xã hội, ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp đóng góp tích cực đối với môi trường và khí hậu. Những thực tiễn như vậy nhằm mục tiêu đem đến hiệu quả hoạt động bền vững, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến danh tiếng và hiệu quả tài chính của Ngân hàng cũng như các phản ứng tình cảm và hành vi của khách hàng”.

Chiến lược PTBV của VPBank tiếp cận các thách thức theo ba trọng tâm chính: phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Ngân hàng, xác định và giải quyết các vấn đề xã hội hoặc môi trường và hỗ trợ các dự án bền vững bên ngoài. Nhằm cụ thể hóa chiến lược PTBV, VPBank đã phát triển Hệ thống quản lý rủi ro MT&XH (ESMS) theo các Tiêu chuẩn Hoạt động (Performance Standards) do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) phát hành, hợp tác với các Tổ chức tài chính quốc tế uy tín phát hành ngân hàng xanh, tín dụng xanh và các sản phẩm/dịch vụ tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu theo khuôn khổ Nguyên tắc Tín dụng xanh 2018 (GLP 2018) do Hiệp hội thị trường Tín dụng (Loan Market Association - “LMA”) và Hiệp hội thị trường Tín dụng châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association - “APLMA”) đồng ban hành. Khung tín dụng xanh của VPBank công bố đã được Tổ chức Sustainalytics đánh giá phù hợp với chiến lược phát triển bền vững tổng thể của Ngân hàng và góp phần thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Về cơ cấu tổ chức, VPBank là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên xây dựng bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro MT&XH từ năm 2016 (Phòng Môi trường và Xã hội - thuộc Khối Pháp chế và Tuân thủ) và bộ phận phát triển tín dụng ngân hàng xanh trong năm 2020 (Ban Tài chính Xanh - thuộc Trung tâm Định chế Tài chính và Ngân hàng Giao dịch). Để đảm bảo nhận thức về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh trong đội ngũ nhân viên ngân hàng, VPBank thường xuyên triển khai các khóa đào tạo trực tiếp, truyền thông hiệu quả và tổ chức hoặc tham gia các sự kiện, hội nghị để quảng bá sản phẩm tài chính xanh tới khách hàng.

Báo cáo PTBV là một công cụ mới, giúp doanh nghiệp tổ chức và công bố thông tin về hoạt động phi tài chính mang tính bền vững theo cách tương tự như báo cáo tài chính nhằm công khai, minh bạch những nỗ lực của doanh nghiệp trong các hoạt động PTBV cụ thể, qua đó củng cố lòng tin của các bên có liên quan và làm gia tăng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Báo cáo PTBV do HOSE công bố không chỉ ghi nhận lại những nỗ lực mà VPBank đã đạt được mà còn là cơ hội giúp Ngân hàng nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại, qua đó thúc đẩy Ngân hàng có những cố gắng hơn nữa để quản lý tốt các rủi ro về MT&XH trong Danh mục đầu tư, khám phá các cơ hội kinh doanh mới và đóng góp tích cực cho hoạt động giảm phát thải carbon, chống biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao trách nhiệm đồng hành cùng với Chính phủ, cộng đồng và các Tổ chức góp phần giải quyết các vấn đề MT&XH quan trọng đối với Trái đất.

Trong thời gian tới, ban lãnh đạo ngân hàng xác định sẽ tiếp tục nâng cao kết quả đánh giá PTBV thông qua đầu tư nguồn lực nâng cao năng lực quản trị, từng bước tiệm cận các thông lệ tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả đánh giá phát triển bền vững kỳ tháng 7 năm 2020 cũng được VPBank gửi tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời công bố thông tin công khai trên website của ngân hàng.

Sao Mai

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: